Những chặng đường của thành phố Gò Công
(ABO) Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc TX. Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sự kiện quan trọng này đã mở ra một chương mới cho vùng đất vốn có bề dày lịch sử này.
Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 19-3. |
TX. Gò Công nay là thành phố Gò Công đã trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử. Soi rọi vào lịch sử mới thấy, thời Gia Long (1802-1819) trung tâm TX. Gò Công là thôn Bình Thuận Đông và thôn Bình Thuận Tây đông dân cư; phía Bắc là thôn Tân Niên Trung, Bình Xuân, Bình Thạnh Đông vẫn còn là vùng rừng rộng lớn, ít dân cư, là căn cứ nghĩa quân Trương Định, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, thành Gia Định. Thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vùng trung tâm Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hòa, phủ Hòa Thạnh, tỉnh Gia Định. Năm 1836, vùng phía Nam, hai thôn Bình Thuận Đông và thôn Bình Thuận Tây được đổi tên thành thôn Thuận Tắc và thôn Thuận Ngãi; vùng phía Bắc là các thôn Bình Xuân, Bình Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Mỹ Lợi, Mỹ Xuân và Tân Niên Trung thuộc tổng Hòa Lạc.
Phố cổ Gò Công. |
Trong cuộc khởi nghĩa Trương Định, Gia Thuận, Gò Công, là nơi nghĩa quân Trương Định diệt nhiều giặc Pháp xâm lược. Ngôi mộ Trương Định ở giữa làng Thành Phố là một biểu tượng bất khuất của người anh hùng đất Gò Công chống Pháp. Sau Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862), thực dân Pháp vẫn giữ Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hòa. Từ năm 1867 các thôn được gọi thành làng. Năm 1913, làng Bình Xuân, làng Tân Niên Trung vẫn ổn định, ba làng Bình Thạnh Tây, Mỹ Lợi, Mỹ Xuân nhập vào làng Bình Thạnh Đông, thuộc tổng Hòa Lạc Thượng; hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi nhập lại thành làng Thành Phố thuộc tổng Hòa Lạc Hạ. Làng Thành Phố là Châu Thành Gò Công của Khu tham điện Tân Hòa tỉnh Sài Gòn. Năm 1924, tỉnh Gò Công thành lập, gồm 5 tổng 40 làng. Làng Thành Phố là Tỉnh lỵ. Tháng 10-1945, quân Pháp tái chiếm Gò Công, làng Thành Phố vẫn là tỉnh lỵ.
Lễ phát động xây dựng TX. Gò Công đạt chuẩn "Thị xã văn minh độ thị" giai đoạn 2013-2015. |
Sau năm 1945, chính quyền kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho thành lập TX. Gò Công trực thuộc tỉnh Gò Công trên phần đất làng Thành Phố trước đó. Ngày 2-4-1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho thành lập quận Châu Thành và quận Hòa Đồng ở tỉnh Gò Công. Lúc này, làng Thành phố cũng là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành. Sau Hiệp định Geneve (1954) đến cuối năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập tỉnh Gò Công và tỉnh Mỹ Tho thành tỉnh Định Tường. Gò Công chia thành 2 quận: Gò Công và Hòa Đồng. Tại quận Gò công, làng Thành Phố và làng Long Chánh nhập lại, thành xã Long Thuận. Quận lỵ Gò Công đóng tại xã Long Thuận. Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Đồng thời, làng Thành Phố (bao gồm hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi nhập lại vào năm 1885) hợp nhất với làng Long Chánh thành một xã mới lấy tên là xã Long Thuận.
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lại TX. Gò Công. |
Ngày 22-10-1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quyết định thành lập tỉnh Định Tường trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công trước đó. Lúc này, quận Châu Thành (tỉnh Gò Công cũ) được đổi tên là quận Gò Công trực thuộc tỉnh Định Tường, quận lỵ vẫn đặt tại xã Long Thuận. Năm 1957, chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho làm một đơn vị và gọi là tỉnh Mỹ Tho, đồng thời chuyển thành huyện Gò Công trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Lúc này TX. Gò Công lại được chính quyền Cách mạng chuyển thành thị trấn Gò Công trực thuộc huyện Gò Công, tỉnh Mỹ Tho. Ngày 20-12-1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập tỉnh Gò Công, tách từ tỉnh Định Tường. Tỉnh lỵ có tên là “Gò Công”, về mặt hành chánh thuộc xã Long Thuận, quận Châu Thành (quận Gò Công cũ).
Ngày 6-4-1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sắp xếp hành chính, chia quận Châu Thành thuộc tỉnh Gò Công thành 2 quận: Hòa Tân và Hòa Lạc. Do đó, từ năm 1965, tỉnh lỵ Gò Công thuộc xã Long Thuận, quận Hòa Lạc. Nhưng đến tháng 8-1968, huyện Gò Công được chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tách khỏi tỉnh Mỹ Tho để lập lại tỉnh Gò Công.
Lúc này TX. Gò Công cũng được tái lập trở lại. Địa bàn TX. Gò Công tương ứng với xã Long Thuận thuộc quận Hòa Lạc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tháng 6-1967, theo quyết định của Khu ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho thành lập Phân ban Tỉnh ủy Gò Công. Phân ban Tỉnh ủy Gò Công tổ chức Huyện ủy Gò Công, Huyện ủy Hòa Đồng và Thị ủy Gò Công.
Tháng 6-1968 thành lập Tỉnh ủy Gò Công. Tỉnh ủy tổ chức Huyện ủy Gò Công, Huyện ủy Hòa Đồng và Thị ủy Gò Công. Từ tháng 8-1971, Tỉnh ủy Gò Công tổ chức bộ máy lãnh đạo tinh gọn, lập bốn Ban Cán sự Vùng 1, 2, 3, 4 và Ban Cán sự thị xã để lãnh đạo cuộc chiến đấu giải phóng quê hương cho tới ngày chiến thắng 30-4-1975. Từ tháng 4-1977, TX. Gò Công chuyển thành thị trấn Gò Công. Ngày 13-4-1979, huyện Gò Công được chia thành huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây.
TX. Gò Công đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2017. |
Ngày 16-2-1987, tái lập TX. Gò Công, với diện tích 31 km², dân số 48.043 người, gồm 2 phường và 4 xã, trên cơ sở tách một phần đất của 2 xã Tân Đông, Bình Nghị của huyện Gò Công Đông và phần đất của 2 xã Thành Công và Yên Luông thuộc huyện Gò Công Tây cùng với thị trấn Gò Công. Bấy giờ TX. Gò Công gồm phường 1, phường 2 (thành lập từ thị trấn Gò Công cũ) và các xã Long Chánh, Long Hưng, Long Hòa, Long Thuận. Ngày 23-6-1994, thành lập một số phường thuộc TX. Gò Công: Thành lập phường 3 thuộc TX. Gò Công trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Long Hưng; thành lập phường 4 thuộc TX. Gò Công trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Long Chánh. Ngày 9-12-2003, thành lập phường 5 thuộc TX. Gò Công trên cơ sở 160 ha diện tích tự nhiên và 7.740 nhân khẩu của xã Long Hòa.
TX. Gò Công đã khoát lên mình diện mạo mới trước khi lên thành Phố Gò Công. |
Ngày 21-1-2008, TX. Gò Công được mở rộng theo Nghị định 09/2008/NĐ-CP của Chính phủ, với khoảng 102 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 97.000 người, có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Ngày 25-4-2017, TX. Gò Công được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Từ năm 2018, TX. Gò Công có 5 phường và 7 xã, giữ ổn định đến thời điểm lên thành phố Gò Công.
Thành phố Gò Công hiện có khoảng 102 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã.
TA