.

Tiền Giang: Chủ động, quyết liệt với xâm nhập mặn

Cập nhật: 08:44, 06/03/2024 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của gió chướng, những ngày qua, mặn đã xâm nhập sâu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn.

MẶN XÂM NHẬP SÂU

Những ngày qua, gió chướng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hoạt động mạnh khiến độ mặn trên sông Tiền tăng cao, vì thế cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã đóng để ngăn mặn. Với việc cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt, mực nước tại các kinh, rạch nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công đã xuống rất nhanh và dần cạn kiệt.

Nông dân xã Tân Phong trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.
Nông dân xã Tân Phong trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Cụ thể, mực nước trên các kinh trục chính vùng Ngọt hóa Gò Công trong ngày 4-3 dao động từ -0,1 đến -0,06 m. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích lúa trong vùng đã thu hoạch, các trà lúa còn lại trong giai đoạn chín nên đảm bảo an toàn trước hạn, mặn.

Hiện nay, mặn đã xâm nhập đến khu vực cầu Phú Phong (huyện Châu Thành) với độ mặn 0,2 g/l đo được vào ngày 3-3 (cao hơn cùng kỳ năm 2016 và năm 2023 là 0,2 g/l). Trước diễn biến căng thẳng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ NN&PTNT vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành từ ngày 1-3-2024. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang cũng tiến hành đóng các cống Rạch Gầm và Phú Phong để ngăn mặn, trữ ngọt.

Cùng với xâm nhập mặn từ hướng sông Tiền, mặn từ hướng sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre cũng đang tăng. Cụ thể, độ mặn đo được trong ngày 4-3 tại bến đò Tân Phú (cách cửa biển 72 km và sông Tiền 2 km) là 0,6 g/l. Điều này đe dọa đến vùng chuyên canh cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng tại cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

QUYẾT LIỆT ỨNG PHÓ

Mặn xâm nhập từ hướng sông Hàm Luông đang là điều đáng lo ngại hiện nay. Bởi mặn xâm nhập từ hướng này có nguy cơ tác động đến 2 cù lao là Ngũ Hiệp và Tân Phong (huyện Cai Lậy). Do đó, hiện công tác phòng, chống hạn, mặn tại 2 xã cù lao này đang được triển khai quyết liệt.

Nông dân xã Tân Phong trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.
Nông dân xã Tân Phong trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Theo Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương, vừa qua, UBND huyện Cai Lậy đã hỗ trợ xã Ngũ Hiệp đắp 5 đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn. Hiện các đập đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành để đảm bảo công tác ngăn mặn.

Trên cơ sở đó, xã Ngũ Hiệp đã vận động người dân nâng cấp các tuyến đê bao, sửa chữa các nắp cống để đảm bảo ngăn mặn. Xã cũng đã chuẩn bị phương án sẵn sàng vận hành 7 giếng khoan được tỉnh đầu tư để bổ cấp nước ngọt phục vụ sản xuất.

Một trong những giải pháp quan trọng đã triển khai là vận động, tuyên truyền người dân thường xuyên theo dõi diễn biến của xâm nhập mặn. Đồng thời, tích trữ nước bằng cách đào ao, dọn cỏ, lục bình trong các mương, vườn. Xã Ngũ Hiệp cũng bố trí các điểm đo độ mặn nhằm kịp thời thông báo cho người dân kịp thời đóng các cống, bọng dẫn nước vào mương vườn.

“Nhìn chung, ý thức của người dân trên địa bàn xã Ngũ Hiệp trong phòng, chống hạn, mặn đã được nâng lên rất nhiều. Người dân đã thực hiện, hưởng ứng theo các phương án phòng, chống hạn, mặn xã đưa ra” - đồng chí Nguyễn Hồng Thương cho biết thêm.

Còn đối với xã Tân Phong, công tác ứng phó hạn, mặn cũng được xã chủ động triển khai từ sớm. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Hồ Thị Xuân Đào cho biết, để phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2024, UBND xã đã chủ động rà soát các ô bao nhằm đảm bảo cho người dân trữ nước khi hạn, mặn xảy ra. Xã đã rà soát đề xuất huyện đắp 16 đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn.

5 đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn xã Ngũ Hiệp đang được khẩn trương thi công.
5 đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy đang được khẩn trương thi công.

Đồng thời, vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt các bọng bê tông để khi hạn, mặn xảy ra, UBND huyện Cai Lậy sẽ hỗ trợ kinh phí để đắp đập tạm. Bên cạnh đó, UBND xã còn thường xuyên kiểm tra 8 giếng khoan dự phòng được tỉnh đầu tư để bổ sung nước ngọt cho người dân tưới tiêu khi mặn xâm nhập đến.

“Hiện người dân cũng đã nạo vét kinh, mương, khơi thông dòng chảy bằng cách trục vớt cỏ, lục bình. Rút kinh nghiệm từ mùa hạn, mặn năm 2019, người dân đã biết được mức độ thiệt hại do hạn, mặn gây ra nên ý thức phòng, chống hạn, mặn được nâng lên rất nhiều” - đồng chí Hồ Thị Xuân Đào cho biết thêm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, những ngày qua, mặn đã lấn sâu vào nội đồng trên địa bàn tỉnh. Do gió mùa Đông Bắc (gió chướng) hoạt động mạnh kết hợp triều cường làm xâm nhập mặn sâu.

Bên cạnh các giải pháp ứng phó hạn, mặn của ngành Nông nghiệp và các địa phương, nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã chủ động bảo vệ sản xuất trước xâm nhập mặn.

Anh Phạm Văn Tâm (ấp Phú Hưng, xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) cho biết, mùa hạn, mặn năm 2020, vườn sầu riêng của gia đình anh bị chết khoảng 60 cây.

Do mặn ảnh hưởng dẫn đến cây suy kiệt và chết nên vườn sầu riêng chỉ còn khoảng 100 cây. Một số cây sầu riêng còn sống đến nay vẫn chưa phục hồi tốt.

Do đó, khi nghe mặn sẽ xâm nhập sâu, anh Tâm khá lo lắng. Vì thế, khi vừa thu hoạch lứa sầu riêng nghịch vụ, anh đã tiến hành nạo vét mương vườn để tăng lượng nước tích trữ, phòng khi mặn gay gắt sẽ có đủ nước cho vườn sầu riêng.

Theo nhận định của ngành Khí tượng và Thủy văn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2016, nhưng sẽ cao hơn mặn 2023 và xấp xỉ năm 2021. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, đỉnh mặn mùa khô năm 2024 sẽ xuất hiện vào tuần đầu của tháng 3-2024.

Để chủ động ứng phó hạn, mặn bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái tại các huyện phía Tây, ngành Nông nghiệp đã tổ chức các cuộc hội thảo để tuyên truyền, vận động người dân nạo vét các tuyến kinh nội đồng, ô bao bảo vệ vườn cây ăn trái nhằm trữ nước ngọt.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để đảm bảo nước ngọt sản xuất trong mùa khô. Với hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch trên đường tỉnh 864 cùng cống âu Nguyễn Tấn Thành, cống Bảo Định tạo thành một hệ thống khép kín để ngăn mặn theo hướng từ hướng sông Tiền. Điều này sẽ giúp bảo vệ khép kín vùng chuyên canh cây ăn trái phía trong đường tỉnh 864.

Đối với khu vực cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản hướng dẫn địa phương chủ động đắp các đập tạm để ngăn mặn. Đồng thời, tổ chức vận hành các giếng khoan dự phòng tỉnh đã đầu tư. Nhìn chung, các giải pháp ứng phó hạn, mặn đã được ngành Nông nghiệp chủ động từ sớm, từ xa,

T.ĐẠT - C.THẮNG

.
.
.