Thứ Năm, 11/04/2024, 15:28 (GMT+7)
.

Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc

Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI, năm 2024 đã diễn ra sáng 11/4, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Sự kiện do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên cũng như tình thương yêu của con người trong cuộc sống.
 
Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; góp phần huy động nguồn lực xã hội để cùng Nhà nước từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, hiện thực hóa mục tiêu phát triển hài hòa, bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cùng 368 đại biểu là những điển hình người khuyết tật, trẻ mồ côi người bảo trợ tiêu biểu.

Lan tỏa rộng rãi tình yêu thương

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới 368 đại biểu tiêu biểu, những người giàu lòng nhân ái, chăm lo giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, vượt qua khó khăn, mất mát, vươn lên làm chủ cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

“Lắng nghe những câu chuyện người thật, việc thật, những chia sẻ từ các báo cáo điển hình, chúng ta thấy được nghị lực, ý chí khắc phục khó khăn, không cam chịu, không chấp nhận những rào cản khiếm khuyết, bền bỉ vượt qua hoàn cảnh mất mát, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp, làm thay đổi cuộc sống của chính mình, đồng thời cổ vũ, động viên, tạo động lực cho nhiều người còn đang mặc cảm tự ti, buồn bã vì hoàn cảnh tật nguyền, được can đảm hơn, mạnh dạn hơn, bước ra khỏi sự bi quan, tạo lập cuộc sống. Điều đó thật xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”– Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của chiến tranh, do thiên tai, bão lũ, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo..., nhu cầu cần được chăm sóc, giúp đỡ của người khuyết tật, trẻ mồ côi ở nước ta còn nhiều. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn giành tình cảm, sự chăm sóc, hỗ trợ tận tình, chu đáo người khuyết tật, trẻ mồ côi; đây là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, là sự nghiệp cao cả đòi hỏi tình cảm, trách nhiệm, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, tham gia tích cực vào các hoạt động chăm sóc, động viên, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi cả về vật chất, tinh thần; phối hợp chặt chẽ trong hoạt động để nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi trên cơ sở tiếp cận quyền con người theo Công ước quốc tế về người khuyết tật và Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu người khuyết tật tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Các đại biểu người khuyết tật tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền đậm nét hơn những tấm gương vượt khó, để lan tỏa rộng rãi hơn tình yêu thương, tiếp thêm ý chí, nghị lực cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên cùng cộng đồng xã hội.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tiếp tục chủ động, sáng tạo, bám sát nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Nghị quyết số 42-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và các Luật, các chính sách, Đề án liên quan đến người khuyết tật, trẻ em, người nghèo.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kêu gọi các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống ''tương thân tương ái'', ''lá lành đùm lá rách'', tham gia tích cực các phong trào, các hoạt động của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Mỗi hành động yêu thương và hảo tâm sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, mặc cảm thân phận cho những hoàn cảnh không may, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Các anh chị, cháu khuyết tật, các cháu mồ côi tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, lan tỏa nghị lực sống tích cực tới cộng đồng, nhất là những người đồng cảnh ngộ, để cùng nhau tự tin vươn lên, mang lại nhiều kết quả ý nghĩa hơn nữa cho cuộc sống của chính mình và cho cả cộng đồng xã hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kêu gọi.

Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Chủ tịch Trung ương Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Sự ghi nhận, biểu dương, khích lệ cũng như những định hướng, nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt ra cho Hội thời gian tới, cán bộ, hội viên của Hội cũng như các nhà hảo tâm, nhà tài trợ trong và ngoài nước sẽ có thêm động lực, tinh thần, tình cảm, trách nhiệm hơn nữa để đồng hành, kết nối yêu thương. Qua đó, vận động, đóng góp được nhiều nguồn lực hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, người gặp rủi ro, thiên tai vượt qua khó khăn ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức hội thành viên luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong vận động, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bảo trợ ở trong và ngoài nước. Với 49 Hội thành viên cấp tỉnh, 229 Hội cấp huyện, 2.045 Hội cấp xã, 1.584 chi hội, gần 600 nghìn hội viên tập thể và cá nhân, Hội trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy của những tấm lòng nhân ái, sự yêu thương sẻ chia và đùm bọc. Từ 2017 đến nay, Trung ương Hội, các tổ chức thành viên đã huy động, quyên góp bằng tiền, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được 3.943 tỷ đồng.

Gương vượt khó vươn lên học giỏi - trẻ mồ côi Đặng Thu Hà (Làng SOS Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Gương vượt khó vươn lên học giỏi - trẻ mồ côi Đặng Thu Hà (Làng SOS Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Với nguồn lực quý báu này, Hội đã triển khai, tổ chức các hoạt động trợ giúp cho 23 triệu lượt đối tượng với phương thức đa dạng, hiệu quả. Cụ thể như: Trợ giúp về y tế (phẫu thuật mắt cho người mù nghèo, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, mổ tim, tặng thẻ bảo hiểm y tế) cho 376.000 lượt người; tặng 72.264 xe lăn, xe lắc, xe bại não cho người khuyết tật; xây mới, sửa chữa 24.412 nhà đại đoàn kết, đường tiếp cận, công trình vệ sinh, nước sạch… cải thiện sinh hoạt cho hàng triệu lượt đối tượng.
 
Hội cũng đẩy mạnh công tác trợ giúp sinh kế, giảm nghèo cho trên 30.000 lượt đối tượng, trong đó đã có 9.820 lượt người khuyết tật được dạy nghề, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là trên 70%; hỗ trợ vốn, vật nuôi cho 11.809 lượt đối tượng khác. Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tặng 27.519 xe đạp; 115.670 suất học bổng cho học sinh, sinh viên mồ côi, khuyết tật, học sinh nghèo. Nhiều tỉnh, thành Hội đã triển khai và mở rộng Chương trình học bổng dài hạn cho học sinh, sinh viên mồ côi, khuyết tật, đảm bảo nguồn hỗ trợ cho các em đến khi tốt nghiệp ra trường. 

Dịp này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIX. Đây là hoạt động thường niên nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về các vấn đề của người khuyết tật, biểu dương những tấm gương vượt khó, tri ân các nhà bảo trợ, đồng thời vận động quyên góp ủng hộ quỹ Hội để triển khai các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi trên cả nước.

(Theo https://baotintuc.vn/xa-hoi/bieu-duong-nguoi-khuyet-tat-tre-mo-coi-nguoi-bao-tro-tieu-bieu-toan-quoc-20240411120906754.htm)

 

 

 

 

 

 

.
.
.