Nét đặc trưng trong lòng thành phố
(ABO) TX. Gò Công, nay là thành phố Gò Công, vốn là một đô thị sầm uất. Nó không chỉ được thể hiện sự sung túc của chợ Gò Công, đường sá, dãy phố mà còn ở sự đa dạng, đặc trưng của kiến trúc nhà ở.
Phố cổ, nhà xưa và nhiều công trình kiến trúc khác đã tạo nên cho Gò Công những nét đặc trưng riêng. Nếu như Quảng Nam hãnh diện có phố cổ Hội An được giữ gìn gần như nguyên vẹn để trở thành di sản văn hóa thế giới, Tiền Giang cũng có thể tự hào về vùng đất Gò Công còn nhiều nhà cổ nhất vùng Tây Nam bộ. Năm 2006, tổ chức JICA của Nhật Bản khảo sát toàn tỉnh Tiền Giang có 350 ngôi nhà cổ, riêng Gò Công chiếm 2/3 nhà cổ có giá trị...
Đình Trung ngày nay (Ảnh: Minh Thành). |
Theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm trong “Đề tài Xây dựng hồ sơ khoa học phố cổ TX. Gò Công, đề xuất giải pháp bảo tồn phố cổ phục vụ phát triển văn hóa và du lịch”, từ giữa thế kỷ XIX, với sự phát triển của chợ Gò Công, nhất là từ năm 1862, hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi trở thành trung tâm của tỉnh Gò Công, phong trào cất nhà tại 2 làng này, đặc biệt là ở làng Thuận Tắc trở nên rầm rộ. Tuy nhiên, do đất còn rộng, người còn thưa nên nhà cửa thường có khuôn viên. Quy mô khuôn viên thường từ 1 - 5 công đất, có số ít khuôn viên chiếm đến 8 công hoặc 1 mẫu đất. Ở Gò Công, nhà chữ Đinh là phổ biến nhất do sự tiện dụng của nó.
Dãy phố cổ Gò Công vẫn còn hiện hữu trên đường Rạch Gầm. |
Trải qua năm tháng thăng trầm của lịch sử, ngày nay dãy phố xưa, nhà cổ vẫn còn tồn tại trong lòng TX. Gò Công. Trên đường Rạch Gầm, Lê Lợi của TX. Gò Công vẫn còn tồn tại những ngôi nhà gắn với dấu tích phố cổ xưa. Thế nhưng, để tiếp cận với với những ngôi nhà trăm tuổi buộc lòng chúng tôi phải nhờ “thổ địa” dẫn đường. Dẫu thế, không phải ngôi nhà cổ nào chúng tôi cũng có thể tiếp cận được.
Hiện nay, những ngôi nhà cổ ở TX. Gò Công chủ yếu nằm trong nội ô trên dọc các tuyến đường chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Côn, Trương Định... Một số ít nhà nằm ở vùng ven như xã Long Thuận, xã Long Hòa. Đối với những ngôi nhà do sở hữu của người dân, nếu không có người thân quen với chủ nhà hướng dẫn, người lạ rất khó tiếp cận được với chủ nhà cũng như tìm hiểu về những vật dụng còn lại đã gắn với những năm tháng thăng trầm của từng ngôi nhà. Một là chủ nhà ngại tiếp khách lạ với nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc nhà đóng cửa do không có người trông coi.
Ngôi nhà trăm năm tuổi hiện vẫn còn trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, TX. Gò Công. |
Điển hình như ngôi nhà cổ của bá hộ Trương Văn Mưu, ở phường 3, với kiến trúc rất độc đáo, cất 3 gian 2 chái kiểu Nam bộ, kết hợp với kiến trúc tiến bộ của phương Tây, mái lợp ngói âm dương 3 lớp, bốn phía xây tường, nền gạch tàu, cửa gỗ, với diện tích xây dựng là 293 m2 và được hoàn thành vào năm 1906 trong khuôn viên rộng, hiện nay còn khoảng hơn 9.100 m2). Trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, hiện cũng còn ngôi nhà cổ có giá trị vì được chủ nhà giữ gìn tương đối kỹ lưỡng…
Nhà Đốc phủ Hải nổi tiếng ở Gò Công (Ảnh: Minh Thành). |
Có lẽ hiếm có nơi nào ở Tiền Giang được các nhà làm phim trong nước, các đài truyền hình quan tâm, chọn bối cảnh để quay phim như Nhà “Đốc phủ Hải”. Nhà “Đốc phủ Hải” điển hình cho loại kiến trúc nhà của địa chủ phong kiến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở Nam bộ. Tiền sảnh nhà làm theo kiểu châu Âu, trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn; trên đố và vòm cửa trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc thể hiện nhiều đề tài khác nhau. Ngôi nhà thể hiện ba khía cạnh là kiến trúc đẹp, mang tính chất lịch sử, đồng thời thể hiện truyền thống cho thế hệ sau.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Nhà Đốc phủ Hải. |
Nơi đây được xem là điểm lý tưởng để các nhà làm phim tái hiện lại thời điểm lịch sử, cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đón tiếp các đoàn khách, cá nhân đến tham quan, ông Đặng Văn Thương, cán bộ phụ trách Bảo tồn bảo tàng TX. Gò Công cho biết còn tiếp nhiều đoàn làm phim đến mượn Nhà “Đốc phủ Hải” để dựng cảnh đóng phim. Phần lớn các phim này được chuyển thể từ tác phẩm của Nhà văn Hồ Biểu Chánh, người con của vùng đất Gò Công, như: Nợ đời, Con nhà nghèo, Cai đắng tình đời, Khóc thầm, Tình án, Tại tôi, Lòng dạ đàn bà, Minh tâm kỳ án, Đất mặn…
Dẫu biết rằng thời gian dần xóa đi dấu tích cũ, những ngôi nhà xưa, thế nhưng phố cổ, nhà xưa hiện hữu trong lòng TX. Gò Công không chỉ mang lại giá trị của thời gian mà nó còn gắn liền với những bước chuyển mình của một đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh và nay đã đường hoàng bước lên thành phố.
TA