Thứ Tư, 24/04/2024, 11:34 (GMT+7)
.
Chào mừng thành phố Gò Công

Vì sao gọi là "địa linh, nhân kiệt"?

(ABO) Vùng đất Gò Công xưa, thị xã Gò Công giữ vai trò hạt nhân, nay là thành phố Gò Công, được xem là “địa linh, nhân kiệt”, đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử và đang khoác lên mình chiếc áo mới tinh tươm hơn.

Danh xưng “địa linh, nhân kiệt” được đặt cho vùng đất Gò Công có thể được khơi nguồn từ nhiều yếu tố cấu thành. Chúng tôi cũng cố gắng góp nhặt thêm những luận chứng về vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa này.

Trong một vài cứ liệu lịch sử mà chúng tôi tìm hiểu được, danh xưng “địa linh, nhân kiệt” cũng được khơi nguồn từ vùng đất, con người của đất Gò Công. Trong một vài tác phẩm viết về Gò Công xưa cũng có đề cập về những thăng trầm của vùng đất, con người Gò Công.

a
Anh hùng dân tộc Trương Định đã làm rạng danh đất Gò Công. (Ảnh: Minh Thành).

Tác giả Việt Cúc, trong tác phẩm Gò Công - Cảnh cũ người xưa xuất bản năm 1968, cũng đã gợi mở một số điều về danh xưng “địa linh, nhân kiệt”. Theo tác giả Việt Cúc, “Gò Công nổi tiếng nhân kiệt, địa linh mà chỉ là miền đồng bằng đất khô nước mặn, địa diện nhỏ hẹp, ở đó không có cảnh trí chi đáng gọi là sơn thanh, thủy tú như các miền khác, với bao cảnh sơn minh thủy mỵ, ở rải rác khắp nơi trong nước. Nhưng nhờ khí linh - tú của đất nước, chung đúc nên nơi đó những bậc anh hào xuất chúng, đã làm rạng rỡ cho xứ sở, nhiều hàng vũ - liệt, văn - mô, tô điểm nét son tinh anh trong thanh sử nước nhà”.

Nghiên cứu địa lý, người xưa cho rằng Gò Công có địa khí “phát tường” vì thời xưa đã tìm thấy 4 điểm ứng linh nơi vùng đất này và được ghi trong 4 câu thi: Bóng Lân đã hiện gò Đông/ Rùa về qui tụ bên sông Tây - đài/ Phượng trương cánh Bắc lố mày/ Rồng thiên uốn khúc Nam - nhai ẩn mình.

Theo lý giải của người xưa, Bóng Lân đã hiện gò Đông, tức gò Lân ở xóm Gò Táo thuộc Làng Tân Niên Đông, nằm phía Đông của tỉnh Gò Công xưa. Thuở xưa, ông già bà cả trông thấy hình bóng con Lân, xuất hiện ra vào nơi cái gò này.

Lăng Hoàng gia hiện nay.
Lăng Hoàng gia hiện nay.

Còn Rùa về qui tụ bên sông Tây - đài ý nói gò Rùa ở bên rạch Sơn Qui, thuở xưa là gò đất cao rậm rạp, loài rùa về ở rất đông, sau thành nơi Lăng mộ Đức Quốc Công và 5 mộ, đều là mộ tiền nhân của Đức bà Từ Dũ Thái hậu.

Phượng trương cánh Bắc lố mày ý nói về vườn Phượng của ông điền chủ, xưa gọi là vườn ông Thôn cựu, nằm phía dưới làng Gia Thuận một đổi. Khi rừng già và đám lá tối trời đã khai phá thành ruộng, ông chủ điền này lập nơi đây một vườn rất rộng trồng mấy mươi cây cao. Mặc dầu là nơi đất mới khai khẩn, đất chua nước mặn, không thích hợp cho loại cây cau nhưng ông cố gắng vun phân, tưới nước ngọt quanh năm. Trong ba năm, cau của ông cành lá vươn lên khỏi nóc nhà, người ở xa trông thấy hình dung cành lá bung xòe như cánh Phượng. Bởi thế mà người thuở ấy gọi vườn cau này là vườn Phượng.

Còn câu Rồng thiên uốn khúc Nam - nhai ẩn mình ý nói rồng thiên ở đây chỉ ba con rạch, một là rạch ở tại làng Tân Hòa có hình thể quanh co uốn khúc như Rồng, trên giáp cửa Tiểu, vàm rạch rất sâu, giống như đầu con Rồng, xưa gọi là rạch Long Uông. Rạch thứ hai, về làng Vĩnh Hựu giáp sông cửa Tiểu. Vàm rạch này xưa gọi là Vàm Rồng, sau gọi trại bẹ là Vàm Giồng. Rạch thứ ba, chạy vào làng Thạnh Nhựt đến Cầu Ngang, hình thể quanh co như con Rồng và phía trên rạch có cái cầu gọi là cầu Long Tượng.

Vậy là, theo người xưa, bốn địa điểm linh thiêng ở trong tỉnh Gò Công xưa, do khí linh - tú của đất nước chung đúc mà hiện ra và do lòng dân thấy làm sao gọi tên ra là vậy. Cũng theo tác giả Việt Cúc, nên nếu quả thật “địa linh” có ảnh hưởng đến nhân sự thì từ xưa đến nay chúng ta cũng nhận thấy nhiều bậc hiền tài xuất chúng, làm vẻ vang cho quê hương xứ sở, được tiếng thơm chung, cũng có người xuất thân từ đất Gò Công này.

g
Ngày 18-10-2017, Đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh được khánh thành.

Còn trong tiểu thuyết Hai Vợ, nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng đã lý giải rõ hơn về cụm từ “địa linh, nhân kiệt” dành cho vùng đất Gò Công. Theo Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, ngay Chương 1 của cuốn tiểu thuyết Hai Vợ, tác giả cũng đã viết: “Gần đây, một khách giang hồ trót mất mươi năm bôn ba gởi bước khắp non sông, tình cờ trở lại nguồn Khổng Tước, nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa bỗng cảm hứng nên ngâm một bài thi thất ngôn bát cú, tả phong cảnh Gò Công có hai câu trạng như vầy: Sơn Quy phưởng phất hồn văn vật/ Bao ngược ồ ào sóng cạnh tranh…

Ấy vậy hồi thế kỷ XIX, giồng Sơn Quy nổi danh và hưng thạnh là nhờ văn học uyên thâm của Phạm tộc (hiện nay là khu Lăng Hoàng gia - NV), cũng như giồng Tre nằm gần đó nổi danh là nhờ tài oanh liệt của cụ Hoài Quốc Công Võ Tánh; ngày nay tại đó vẫn còn đền thờ. Nhờ hai trường hợp đó, sau còn nhờ cụ Trương Công Định ẩn núp theo mấy giồng mà kháng chiến với binh đội Pháp khi nước Pháp mới chiếm trị vùng Gò Công, nên Gò Công mới được tiếng “Địa linh nhơn kiệt”. Người nhờ đất mà kiệt? Hay là đất nhờ người mà linh? Hai vấn đề ấy ai muốn phân giải thế nào tùy ý.

Đó là những gì góp nhặt được từ người xưa để góp phần lý giải thêm về vùng đất được gọi là “địa linh, nhân kiệt” này. Dù thế nào, Gò Công xưa, thành phố Gò Công ngày nay vẫn còn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính với nhiều công trình, kiến trúc xưa vẫn còn đang hiện hữu cùng với nhiều bậc tiền nhân mang lại tiếng thơm cho vùng đất Gò Công như: Anh hùng dân tộc Trương Định, Thái hậu Từ Dũ, nhà văn Hồ Biểu Chánh hay Hoài Quốc Công Võ Tánh…

TA

.
.
.