Thứ Ba, 16/04/2024, 10:58 (GMT+7)
.

Cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong vùng hạn, mặn

Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia nhận định, năm 2024, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao hơn, phức tạp hơn so với trung bình nhiều năm; mặn tiến sâu hơn bên trong các hệ thống sông. Để bảo đảm đời sống, sản xuất của người dân trong vùng hạn, mặn, thời gian qua, hàng loạt giải pháp đã được các địa phương triển khai như bảo vệ lúa an toàn, cấp nước sạch cho người dân, vận hành hệ thống cống linh hoạt ngăn mặn…

a
Người dân xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) lấy nước miễn phí về sử dụng cho gia đình.

Hỗ trợ người dân ứng phó hạn, mặn

Theo Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, vào sâu hơn bên trong các hệ thống sông. Tính từ đầu mùa khô đến nay, đợt xâm nhập sâu nhất xuất hiện, với ranh mặn 4‰, tiến sâu vào đất liền 40-66 km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1‰ tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76 km tùy theo sông.

Đến thời điểm hiện tại, mức độ xâm nhập mặn các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang... mặn phổ biến vẫn cao hơn so với trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016. Đáng chú ý, tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016. Trong khi đó, dự báo tổng lượng mưa tháng 4 và 5 thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nguồn nước từ sông Mê Công chảy về Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu hụt.

Hạn hán, mặn xâm nhập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nông thôn cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Hiện nay, vẫn còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn (khoảng 3,6% số hộ dân nông thôn trên cả nước) bị thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa kích hoạt gói hỗ trợ cho người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hạn, mặn, thiếu nước sinh hoạt… với tổng ngân sách 1,7 triệu USD vốn ODA viện trợ không hoàn lại…

Những ngày này, đi dọc vùng hạn, mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới thấy nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân thật sự cấp bách. Tại tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn, khô hạn xuất hiện sớm, duy trì cao và liên tục. Mặc dù, hệ thống thủy lợi Gò Công (Tiền Giang) có khả năng kiểm soát được mặn nhưng không lấy được nước ngọt dẫn đến xảy ra khô hạn nội đồng nghiêm trọng. Việc ứng phó với xâm nhập mặn năm nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ven biển thuộc hai huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông (Tiền Giang).

Khoảng 1 tháng qua, ngày nào, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông phải đến các vòi nước công cộng hoặc các xe bồn chở nước miễn phí của các nhà hảo tâm để lấy nước sinh hoạt. Với 5 nhân khẩu, gia đình bà phải sử dụng khoảng 180 lít nước/ngày. Bà Tươi cho biết, các vòi nước công cộng tại đây rất yếu. “Có ngày, tôi phải đợi hơn 4 giờ mới lấy được 2 thùng nước (loại 30 lít/thùng)”. Trong những ngày qua, xe bồn, sà-lan chở nước miễn phí về cho người dân rất nhiều. Nhờ đó, người dân vùng ven biển này bớt phần khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Không để người dân thiếu nước sạch

Để người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm được cuộc sống trong những tháng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các cấp ủy chính quyền cần sử dụng các nguồn vốn đầu tư, hành động cụ thể nhằm hướng tới bảo đảm mục tiêu tối thiểu đã cam kết thực hiện trong chương trình của Liên hợp quốc. Đó là mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn được tiếp cận bình đẳng và công bằng về nước sạch và môi trường.

Trong đó, Trung ương và địa phương xác định đầu tư bằng các giải pháp công trình cụ thể. Nơi nào cần nới đường ống, nâng cao nhà máy nước sạch, nơi nào có thể cấp nước sạch tập trung thì cấp nước sạch tập trung. Mọi giải pháp công trình đều dẫn đến bảo đảm 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn được hoạt động một cách đầy đủ, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện cơ chế chính sách phù hợp, bảo đảm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó, sẽ tính toán giá cả hợp lý, xã hội hóa để tư nhân đầu tư nhiều hơn lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Về lâu dài cần xây dựng quy hoạch theo phương châm lấy nước làm trung tâm cho các quy hoạch khác, xác định rõ nguồn nước cho sinh hoạt bảo đảm an toàn, bền vững, có dự phòng trong trường hợp thiên tai, xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong nhiều năm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra và làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng về tình hình hạn, mặn và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có giải pháp căn cơ để sống chung với hạn, mặn, trong đó xác định giải pháp công trình và phi công trình là thường xuyên, liên tục. Hệ thống kênh, rạch phải được khép kín theo từng lưu vực nhằm tích trữ nước phục vụ cho khu vực dân cư rộng lớn. Việc đầu tư các công trình chống hạn, mặn phải được ưu tiên mang tính chất vùng, khu vực. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền để người dân ý thức được tích trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm là một giải pháp thích nghi với hạn, mặn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định trong bối cảnh hiện nay, có thể khẳng định, Việt Nam là một quốc gia thiếu nước. Nước là hữu hạn nên phải có hành động tương xứng. Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn là 57%; 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.