Chung tay "giải khát" cho người dân mùa hạn, mặn
Trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống hạn, mặn năm 2020, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cùng chính quyền, nhân dân xã đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp lấy nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt mùa hạn, mặn.
Theo đó, Ban Chấp hành Hội CCB xã Đồng Sơn tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên CCB tham gia hàng trăm ngày công trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy, nạo vét các tuyến kinh, mương nội đồng, lấy gạn nước ngọt qua hệ thống kinh cấp 1, cấp 2 để trữ nước trên các kinh trục, nhằm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối và thực hiện nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kinh bị bồi lắng. Tổ chức 4 điểm chứa, cung cấp nước ngọt đủ tưới cho 493 ha cây thanh long và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương.
Ngoài việc đắp đập trữ nước ngọt như trên, Hội CCB xã Đồng Sơn được UBND xã phân công phụ trách 2 hệ thống máy lọc nước do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tài trợ, kinh phí trên 203 triệu đồng. Mỗi giờ, 1 máy lọc được khoảng 400 - 500 lít nước sạch (sử dụng trực tiếp), cung cấp khoảng 1.000 hộ dân trong 1 ngày.
Bên cạnh đó, việc tổ chức góp vốn xoay vòng để xây hoặc mua hồ chứa nước ngọt sử dụng trong mùa khô đã được Chi hội CCB ấp Khương Thọ chủ động chủ trì thực hiện nhiều năm trước đây đạt được hiệu quả, tiết kiệm được tiền sử dụng nước giếng khoan do trạm cấp nước cung cấp hằng tháng, được cấp ủy Chi bộ và hội viên cùng nhân dân trong khu vực hưởng ứng, hiện có 14/55 hộ hội viên Chi hội CCB ấp Khương Thọ và người dân có hồ chứa nước.
Hội viên Chi hội CCB ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn vận hành máy lọc nước phục vụ nước sinh hoạt nhân dân trong vùng. |
Ngoài ra, xã Đồng Sơn còn tổ chức 4 đập bơm chuyền và 3 điểm chặn, thực hiện phân vùng để điều tiết nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa vụ đông xuân. Nhờ có những giải pháp này nên hơn 33,7 ha cắt vụ, chuyển đổi cây màu ngắn ngày; diện tích sạ đúng theo lịch lúa vụ đông xuân không bị ảnh hưởng năng suất do xuống giống đúng lịch thời vụ trong hơn 400 ha xuống giống toàn vùng. Kết quả này được xem là thành công đối với vụ đông xuân năm 2023 - 2024 của xã Đồng Sơn.
Tình hình xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 đã ảnh hưởng đến phần lớn diện tích canh tác toàn xã Đồng Sơn, ranh giới độ mặn trên 10 gam/lít đã làm trên 40% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô hiện tại và những năm tiếp theo, Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Sơn Hồ Văn Việt cho biết, trước mắt, Hội CCB xã tiếp tục tham mưu giúp Đảng ủy xã theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức theo dõi độ mặn ở các vùng cửa cống lấy nước vào trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn, thực hiện lấy nước phù hợp.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ và phổ biến, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong các cuộc họp, sinh hoạt, qua các phương tiện thông tin đại chúng đến hội viên và người dân để chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Ngoài ra, hội viên CCB xã chú trọng thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kinh, mương, khơi thông dòng chảy, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tranh thủ thủy triều để bơm nước, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ nước ngọt tại các khu vực chưa có công trình thủy lợi khép kín, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép và ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Thực hiện giám sát và có ý kiến đến chính quyền địa phương, bố trí lịch thời vụ hợp lý, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp.
Đồng thời, Hội CCB tham gia cùng chính quyền xã kiến nghị đến cơ quan chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kinh, mương; khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn vượt mức cho phép. Đặc biệt, tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi đê bao sông Tra cần có sự phối hợp vận hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu khác nhau về nước ngọt, mặn của địa phương..
HÀ NAM - HỒ VIỆT