.

Huyện Gò Công Tây: Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 94,91%

Cập nhật: 22:02, 19/04/2024 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình giám sát, ngày 19-4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang do Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND Gò Công Tây về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tham gia Đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh…

Theo lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây, Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Nghị quyết HĐND huyện về phát triển kinh tế - xã hội xác định công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của huyện nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động trên địa bàn huyện.

Theo đó, ngành chức năng huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động. Đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại 13/13 xã, thị trấn trên toàn huyện. Trong giai đoạn 3 năm qua, huyện đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu, tư vấn về đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng việc làm cho trên 1.800 lượt người lao động của huyện.

Kết quả đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, huyện đã tổ chức 20 lớp dạy nghề cho gần 600 người lao động; trong đó, chủ yếu cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng chính sách và người lao động nông thôn. Các nghề được đào tạo chủ yếu là: Nghề may công nghiệp, đan lát lục bình, chăn nuôi bò, dê sinh sản, nghề làm tóc, trang điểm, trồng chăm sóc hoa kiểng...

Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của huyện Gò Công Tây đạt trên 94,91%. Nhìn chung, hằng năm huyện có từ 85% trở lên số người tìm được việc làm sau đào tạo nghề và có trên 95% người lao động sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm ổn định, đem lại hiệu quả thiết thực cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Từ đó đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 2,09% vào đầu năm 2021 xuống còn 0,87% vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng thực hiện tốt công tác liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo việc làm dưới 3 tháng với các doanh nghiệp theo nhu cầu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với 9 cơ sở có sử dụng lao động như cơ sở may công nghiệp, cơ sở đan lát vừa đào tạo nghề xong, kiểm tra tay nghề và được nhận vào làm việc tại cơ sở hơn 450 lao động sau đào tạo.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo huyện Gò Công Tây cũng đã phân tích một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại; đồng thời, kiến nghị với Đoàn giám sát kiến nghị các ngành, các cấp để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo nghề sơ cấp cho lao động trong thời gian tới.

Đoàn giám sát làm việc tại huyện Gò Công Tây
Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc tại huyện Gò Công Tây.

Các ý kiến, kiến nghị đề xuất của huyện Gò Công Tây đã được Đoàn giám sát ghi nhận và các sở, ngành tỉnh cũng đã ý kiến đóng góp để huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới.

KIM LAN - QUẾ ANH

.
.
.