Không để người dân thiếu nước
Trước tình hình thiếu nước ngọt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai linh hoạt các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Các con kênh khô cằn, nứt nẻ do thiếu nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và so với mùa khô năm 2022-2023. Hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Tuy nhiên, nhờ những cảnh báo, dự báo sớm về một mùa khô khắc nghiệt và gay gắt, các tỉnh ĐBSCL đã lên phương án chuẩn bị và ứng phó phù hợp, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Theo số liệu quan trắc mới nhất của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trên địa bàn tỉnh tăng dần từ ngày 5-11/4, dự báo giảm chậm đến ngày 18/4. Xâm nhập mặn trên các sông chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Người dân Bến Tre chỉ dám sử dụng nước nhiễm mặn để tắm giặt, còn nước sinh hoạt thì lấy từ nước mưa hoặc chờ cung cấp.
Bến Tre hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn dụng cụ trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hằng ngày - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, các ngành, các cấp địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của chính quyền tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn; đồng thời tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.
Đối với công tác cung cấp nước sạch, ông Đảnh thông tin hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 165 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân.
Cụ thể, huyện Giồng Trôm có 9 điểm, huyện Ba Tri có 18 điểm, huyện Chợ Lách có 6 điểm, huyện Thạnh Phú có 41 điểm, huyện Châu Thành có 23 điểm, huyện Bình Đại có 53 điểm, huyện Mỏ Cày Nam có 15 điểm, huyện Mỏ Cày Bắc có 3 xe chở nước lưu động…
Người dân ở xã An Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chắt chiu từng giọt nước mùa hạn mặn - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Ngoài ra, huyện Bình Đại thời gian qua đã tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khoảng 657,5 m3 nước ngọt, 3.050 bình nước lọc. Huyện Giồng Trôm tiếp nhận hỗ trợ khoảng 135 m3 nước ngọt, 109 bình nước lọc; đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho 16 hộ nghèo, hộ khó khăn.
Hiện các đơn vị cấp nước đang tổ chức đo mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.
Các nhà máy nước thực hiện cấp nước ngọt tập trung qua hệ thống RO, ngoài ra chở nước thô bằng sà lan cho nhà máy nước Lương Phú; nhà máy nước Phước Long. Đồng thời, triển khai công tác lắp đặt đồng hồ nước cho người dân khu vực cù lao Long Thành (xã Sơn Phú và Hưng Phong) để phục vụ vận hành cấp nước.
Công tác đo, kiểm tra, dự báo độ mặn được ngành chức năng và địa phương thực hiện chủ động, thường xuyên để thông tin cho người dân biết và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn.
Thường xuyên kiểm tra, dự báo độ mặn của nước để có kế hoạch ứng phó phù hợp - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Mở vòi nước công cộng phục vụ người dân thiếu nước
Là tỉnh bị xâm nhập mặn nặng nhất mùa khô năm nay, ngày 6/4 vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Trước tình huống khẩn cấp, tỉnh đã mở 101 vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn, thiếu nước để người dân đến lấy miễn phí phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển 63 bồn chứa nước được đặt tại 40 điểm để cấp nước miễn phí cho nhân dân các khu vực cuối nguồn bị thiếu nước.
Kênh nội đồng ở Tiền Giang nhiễm mặn và cạn khô - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Riêng đối với huyện Tân Phú Đông, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn huyện trong thời điểm cao điểm nắng nóng hiện gần 10.000 m3/ngày, thiếu 1.700 m3/ngày. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã vận hành điều tiết cung cấp nước, cấp nước qua vòi công cộng đối với những khu vực cuối nguồn bị thiếu nước. Hiện UBND tỉnh đang xem xét thời gian để vận chuyển nước ngọt bổ cấp cho 2 ao nước thô trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Còn tại Cà Mau, qua rà soát số liệu báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Qua rà soát, khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với khoảng 1.719 hộ, do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt…
Người dân Tiền Giang lấy nước từ các xe bồn - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Sở đã giao Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát lập dự toán mở đường ống nối mạng các công trình hiện có và mua bồn nhựa trữ nước từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.
Đồng thời, vận động các nhà tài trợ được 3.500 m đường ống nhựa (đang triển khai lắp đặt tại ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông và xã Khánh Bình Tây Bắc); chuẩn bị triển khai lắp đặt thêm 12 bồn nước nguồn ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở cũng bố trí lực lượng, phương tiện chở 400 m3 nước ngọt ra đảo Hòn Khoai để hỗ trợ cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đặc biệt, ngày 9/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức quốc tế và UBND tỉnh tổ chức Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024 và Kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Theo Chinhphu.vn