.
Lan tỏa những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng

Bài 2: Trải lòng bác ái trên đất cù lao

Cập nhật: 20:25, 27/04/2024 (GMT+7)

Bài 1: Ngôi trường của tình thương

Trên dải đất cuối cù lao Lợi Quan giữa dòng sông Tiền, nhiều người truyền tai nhau về chuyện một vị linh mục hay giúp đỡ người nghèo bằng cách rất đặc biệt. Đó là Linh mục Nguyễn Minh Phụng, Cha sở Giáo xứ Phaolo - Bà Từ, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.

TẶNG BÒ SINH SẢN CHO HỌC SINH NGHÈO

Tân Phú Đông là một huyện khó khăn của tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, công tác xóa khó, giảm nghèo trên vùng đất này được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cùng với nỗ lực của chính quyền thì vai trò của cộng đồng trong việc giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn được cộng đồng chung sức, chung lòng thực hiện.

Linh mục Nguyễn Minh Phụng là một trong những người đã có nhiều sự giúp đỡ cho người nghèo và đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội nơi đây.

Linh mục Nguyễn Minh Phụng trao quà cho người dân gặp khó khăn.
Linh mục Nguyễn Minh Phụng trao quà cho người dân gặp khó khăn.

Cách nay hơn 5 năm, khi Linh mục Phụng được phân công về phụ trách Giáo xứ Phaolo - Bà Từ, ngày ngày chứng kiến cuộc sống vất vả của không ít người dân vùng đất khó cù lao, làm cho linh mục không khỏi day dứt. Từ đó, Linh mục Phụng đã nghĩ và giúp người nghèo theo cách rất riêng của mình. Trong đó, có việc tặng bò sinh sản cho những học sinh nghèo đang học bậc trung học phổ thông để “làm vốn” cho hành trình vào đại học.

Linh mục Phụng đã tìm hiểu và chọn mua những con bò sinh sản tốt, to con, mắn đẻ và khả năng thích ứng môi trường cao. Linh mục trồng một đồng cỏ và xây dựng chuồng bò ngay phía sau nhà thờ. Ngày ngày vị linh mục này tự tay cắt cỏ, dọn chuồng và chăm sóc đàn bò sinh sản cho tới khi có thể sinh ra những bò con khỏe mạnh. Sau hơn 2 năm kiên trì, lứa bò sinh sản đầu tiên do Linh mục Phụng chăm nuôi đã được chuyển đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần mẫn, chăm học.

Khánh và bà ngoại xúc động khi nhận bò sinh sản do Linh mục Nguyễn Minh Phụng trao tặng.
Khánh và bà ngoại xúc động khi nhận bò sinh sản do Linh mục Nguyễn Minh Phụng trao tặng.

Giải thích vì sao chọn cách tặng bò sinh sản cho học sinh nghèo, Linh mục Phụng chia sẻ: “Nuôi bò là phù hợp với khả năng của những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vì các em và người thân không khó trong việc tìm nguồn cỏ làm thức ăn cho bò, mà không phải tốn tiền để mua.

Nhà thờ tặng những con bò sinh sản đã được nuôi dưỡng khỏe mạnh cho các em học sinh chăm sóc, nuôi thêm khoảng 1 năm rưỡi, là có thể sinh con và sau chừng 2 năm nuôi là bán bò con, để lấy tiền trang trải bước đầu khi vào đại học. Gia đình tiếp tục nuôi bò mẹ, sinh ra bò con bán để chuẩn bị học phí những năm tiếp theo cho các em”.

Em Khánh, là học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Phú Thạnh vừa được Linh mục Phụng tặng bò sinh sản “làm vốn”. Bà ngoại của Khánh cho biết: “Cha mẹ ly hôn khi cháu Khánh chưa tròn 1 tuổi và sau đó đều có gia đình mới nên Khánh sống với tôi từ nhỏ.

Khánh ham học và học rất tốt, cháu ước mơ được học đại học nhưng sợ tôi không có khả năng. Do đó, khi biết được hoàn cảnh của bà cháu tôi, Linh mục Phụng đã tặng bò sinh sản cho bà cháu tôi nuôi để có bò con bán, lấy tiền trang trải chi phí cho Khánh khi vào đại học. Linh mục Phụng còn hứa khi bán bò con mà không đủ tiền đóng học phí cho Khánh thì linh mục sẽ giúp thêm cho đủ, vậy là cháu tôi tiếp tục có cơ hội đến trường học tập”.

Bằng cách tặng bò sinh sản, trong những năm qua đã có gần 20 học sinh nghèo được Linh mục Phụng trợ giúp “vốn khởi đầu” khi bước vào đại học. Đàn bò sinh sản từ nhà thờ Phaolo - Bà Từ do Linh mục Phụng làm Cha sở tiếp tục nhân lên để góp phần chia sẻ với nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn trong huyện Tân Phú Đông.

“Tất nhiên tiền bán bò con sẽ không thể đủ cho các em trang trải, với những trường hợp khó khăn, khi vào đại học thì tôi tìm thêm sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm về chỗ ăn ở giá rẻ, học phí… để các em có thể hoàn thành chương trình học. Ngoài ra, mỗi năm học, tôi còn vận động tập, sách, đồng phục và học bổng cho học sinh khó khăn trong huyện Tân Phú Đông”,  Linh mục Phụng chia sẻ.

MỞ XE BÁNH MÌ 2.000 ĐỒNG

Không chỉ tặng bò sinh sản cho học sinh nghèo, Linh mục Phụng còn mở xe bánh mì 2.000 đồng đem bữa sáng cho người lao động và học sinh khó khăn trên đất cù lao Tân Phú Đông. “Ban đầu chúng tôi tặng miễn phí bánh mì thịt, nhưng sau đó thì bán với giá 2.000 đồng 1 ổ bánh mì.

Linh mục Nguyễn Minh Phụng cùng nhà thờ Phaolo - Bà Từ cung cấp nước sạch phục vụ miễn phí cho người dân cù lao Tân Phú Đông vượt qua những ngày hạn, mặn.
Linh mục Nguyễn Minh Phụng cùng nhà thờ Phaolo - Bà Từ cung cấp nước sạch phục vụ miễn phí cho người dân cù lao Tân Phú Đông vượt qua những ngày hạn, mặn.

Hằng ngày, mỗi sáng xe bánh mì 2.000 đồng phục vụ hàng trăm em học sinh và người lao động có thức ăn ấm bụng để bắt đầu ngày mới. Sở dĩ chúng tôi bán 2.000 đồng mỗi ổ bánh mì là để học sinh và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn không mặc cảm khi đến mua bánh và nhân viên phục vụ cũng phải đối xử với khách thật trân trọng”, Linh mục Phụng chia sẻ.

Chia sẻ với người dân khó khăn, Linh mục Phụng còn có nhiều hỗ trợ khác như tặng quà cho bà con dịp lễ, tết và đặc biệt 3 năm nay, mỗi tháng nhà thờ Phaolo - Bà Từ còn tổ chức bữa cơm miễn phí cho gần 50 người mù trong tỉnh Tiền Giang. Sau khi dùng cơm thân mật, những người khiếm thị còn được tặng quà gồm gạo, mì gói và thực phẩm khác để dùng trong tháng.

Việc làm này cũng là cách để Linh mục Phụng mang đến niềm vui cho những hoàn cảnh kém may mắn. Đặc biệt, hơn 1 tháng qua, hàng trăm khối nước sạch và hàng ngàn bình nước uống đã được Linh mục Phụng vận động chuyển đến để chia sẻ với bà con cù lao Tân Phú Đông bị ảnh hưởng của nắng nóng, hạn, mặn.

“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” là tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã được đồng bào Công giáo trong tỉnh Tiền Giang nỗ lực thực hiện những năm qua. Việc Linh mục Phụng trải lòng bác ái trên đất cù lao Tân Phú Đông là một trong vô vàn chuyện thiện lành mà chức sắc và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã và đang ngày đêm góp sức vì quê hương Tiền Giang giàu đẹp, an lành.

THỦY HÀ

(còn tiếp)

.
.
.