.

Tháng 4, nắng nóng gia tăng nhiều ngày tại một số khu vực

Cập nhật: 15:43, 01/04/2024 (GMT+7)

Nhận định về các hình thái thời tiết tháng 4/2024, ngày 1/4, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, trong tháng 4, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

a
Phần đông người dân TP Hồ Chí Minh đều trùm kín người khi đi ra đường. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/ TTXVN

Không khí lạnh hoạt động với cường độ yếu và lệch về phía Đông. Áp thấp phía Tây có xu hướng hoạt động mạnh dần nên nắng nóng xuất hiện và gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Tổng lượng mưa ở các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 10-20mm, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 30-60mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực trên tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng.

“Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá. Nắng nóng gia tăng nhiều ngày tại các khu vực và nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ”, bà Trần Thị Chúc lưu ý.

Cùng với đó, trong tháng 4/2024, không khí lạnh vẫn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ở khu vực Bắc Biển Đông, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, sóng lớn... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Theo TTXVN

 

.
.
.