Tiền Giang nỗ lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân
Hiện nay đang là đỉnh điểm của mùa nắng nóng, do đó nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tại các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang tăng cao. Trước tình trạng này, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
HIỆU QUẢ TỪ CÁC VÒI NƯỚC CÔNG CỘNG
Theo ghi nhận, những ngày qua, nguồn nước tại các kinh, rạch nội đồng của các huyện phía Đông đã cạn kiệt. Nắng nóng đang trong giai đoạn cao điểm dẫn đến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tăng cao. Nguồn nước thô tại chỗ để sản xuất nước sinh hoạt cạn kiệt dẫn đến một số khu vực cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công thiếu nước.
Trước tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã chủ động mở các vòi nước công cộng để phục vụ miễn phí cho người dân. Những ngày qua, ngày nào anh Dương Anh Phụng (ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cũng đến vòi nước công cộng tại ấp Cầu Xây, xã Kiểng Phước để lấy nước về sử dụng. Theo anh Phụng, nguồn nước máy chưa kéo đến nhà, thêm vào đó, nguồn nước dưới kinh hiện đã cạn nên nước sinh hoạt của gia đình hiện đang phụ thuộc vào các vòi nước công cộng. “Tôi chỉ chở nước đủ xài, còn nhường cho bà con khác lấy nữa. Lúc khó khăn như này phải chia sẻ với nhau” - anh Phụng cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông vào sáng ngày 2-4. |
Cũng tại xã Kiểng Phước, những ngày qua, bà Nguyễn Thị Thu (ấp Cầu Xây) cùng người dân trong xóm thay phiên nhau ra vòi nước công cộng tại ấp Cầu Xây để lấy nước vào can mang về sử dụng. “Bà con ở đây chia nhau người hứng đầy can thì tới người khác” - bà Thu nói.
Cũng tại huyện Gò Công Đông, gia đình ông Trần Anh Tuấn (ấp 2, xã Gia Thuận) có 8 nhân khẩu. Những ngày qua, ngày nào ông Tuấn cũng đến vòi nước công cộng tại ấp 3, xã Gia Thuận để lấy nước về sử dụng mỗi ngày từ 2 - 3 lần. “Gia đình có nước máy, nhưng những ngày qua nước không chảy. Nhờ có cây nước công cộng nên mới có nước sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nguồn nước hạn chế nên việc sử dụng nước cũng rất tiết kiệm” - ông Tuấn nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Gia Thuận, trên địa bàn xã đang mở 5 vòi công cộng để phục vụ người dân đến lấy nước miễn phí về sử dụng. Ngoài ra, xã còn trữ nước trong túi chứa với khối lượng khoảng vài ngàn m3 để cấp cho người dân. Đến thời điểm này, nước sinh hoạt trên địa bàn xã cơ bản ổn.
“Ngoài các vòi nước công cộng, được sự hỗ trợ kinh phí của nhà hảo tâm, xã đã bố trí 2 người dùng xe chở nước hỗ trợ miễn phí cho các hộ già neo đơn, khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thánh tịnh Vĩnh Sơn Quang trên địa bàn xã cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nước ngọt và trữ tại cơ sở để người dân đến lấy miễn phí về sử dụng. Ngoài ra, những ngày qua, các nhà hảo tâm cũng vận chuyển nước miễn phí khoảng vài trăm m3 nước về địa bàn xã để cung cấp cho người dân” - lãnh đạo UBND xã Gia Thuận cho biết thêm.
NỖ LỰC CUNG CẤP NƯỚC SINH HOẠT
Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, hiện nay đã vào đỉnh điểm mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Một số trạm do thiếu nguồn nước thô nên đã giảm công suất sản xuất hoặc ngưng sản xuất nước. Phát huy hiệu quả của Dự án “Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công”, mùa khô năm nay tình hình cấp nước cho khu vực TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực so với trước đây.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2024 có thể kéo dài, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang thực hiện đúng theo Phương án phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Tiền Giang.
Người dân xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông đến vòi công cộng lấy nước về sử dụng. |
Hiện tại các ao chứa nước như: Tham Thu, Gia Thuận, Bình Tân, Long Bình… đã cạn nước, trạm phải ngừng sản xuất. Các ao chứa tại Nhà máy nước Gò Công Tây, ao Tân Thành, ao Vàm Láng, ao Tân Đông đã gần cạn, do đó phải giảm sản xuất để duy trì. Khu vực huyện Gò Công Tây chỉ còn sản xuất được ở các trạm cặp kinh 14 là Trạm Vĩnh Hựu, Trạm K7. Tình hình cung cấp nước các huyện, thị phía Đông gặp rất nhiều khó khăn, chỉ còn 1 nguồn duy nhất là từ Nhà máy nước Đồng Tâm và các giếng khoan nước ngầm tại chỗ.
Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, ngày 26-3-2024, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã lập Phương án 296 trình UBND tỉnh về việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông dự kiến từ ngày 27-3-2024 đến ngày 15-5-2024.
Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, hiện công ty đã mở 82 vòi nước công cộng tại các huyện phía Đông. Bên cạnh mở các vòi nước công cộng, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển các bồn chứa nước cấp nước miễn phí cho nhân dân tại một số khu vực thiếu nước ở cuối nguồn (40 điểm). Đơn vị cũng đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thị phía Đông tiếp tục mở vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn về nguồn nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.
Trong thời gian tới, nếu tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, công ty sẽ thực hiện cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân. Trước tình hình khó khăn về nước sinh hoạt hiện nay, người dân cần sử dụng nước sinh hoạt đúng mục đích và tiết kiệm.
Tại chuyến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt tại các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang vào sáng ngày 2-4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu chính quyền địa phương vận động, chỉ đạo Đoàn Thanh niên hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho các gia đình chính sách, người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi chở nước. Tại các vòi nước công cộng, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phải lắp đặt nhiều vòi lấy nước để khi áp lực nước mạnh người dân đến lấy đỡ chờ đợi. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương thông báo địa điểm, thời gian cụ thể cấp nước qua bồn chứa để người dân chủ động.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát tình trạng hộ dân bán nước sinh hoạt cho một số người vận chuyển để đi bán lại với giá cao; có biện pháp xử lý đối với trường hợp lợi dụng tình trạng nước sinh hoạt khó khăn để “trục lợi”; giám sát không để người dân lấy nước từ vòi công cộng đi bán cho người dân. Đồng thời, công ty phải linh hoạt trong việc cấp nước sinh hoạt…
T. ĐẠT