Thứ Hai, 15/04/2024, 10:29 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn (CĐ). Trong những năm qua, các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang đã chú trọng tập trung đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với người lao động (NLĐ).

NÂNG CAO HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT CHO NLĐ

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, các cấp CĐ tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt đến đoàn viên, CNVCLĐ các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó tập trung nhất là các nội dung có liên quan đến CNVCLĐ và tổ chức CĐ bằng nhiều hình thức. Cung cấp thông tin về chế độ chính sách, pháp luật tại 3 “Điểm thông tin chính sách pháp luật” ở 3 khu công nghiệp: Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang.

LĐLĐ TP. Mỹ Tho tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp cho CNLĐ tại Công ty TNHH MTV Choi&Shin’s Vina.
LĐLĐ TP. Mỹ Tho tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp cho CNLĐ tại Công ty TNHH MTV Choi&Shin’s Vina.

LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL trong đoàn viên, CNVCLĐ. Từ đó, các cấp CĐ đã phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp với Hội đồng PBGDPL địa phương, lãnh đạo chuyên môn, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL trong đoàn viên, CNVCLĐ.

Thường xuyên củng cố nâng chất đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, kịp thời cung cấp, cập nhật bổ sung các kiến thức, quy định mới của pháp luật, nhất là các nội dung liên quan đến tổ chức CĐ, đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật tại cơ sở...

Nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL luôn có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, website, mạng xã hội (Zalo, Facebook…), sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động... Qua đó, trang bị, cung cấp, bồi dưỡng và nâng cao tri thức pháp luật cho NLĐ, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Hoàng Khắc Tinh, hiện nay, toàn tỉnh có 17 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; 1.370 Công đoàn cơ sở (CĐCS) - Nghiệp đoàn, với 131.275 công đoàn viên/136.949 CNVCLĐ.

Phần lớn là lao động phổ thông, trình độ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, hằng năm LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp các tổ chức CĐCS lựa chọn những văn bản pháp luật quy định các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ, như các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, CĐ, Bộ luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ…

Với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tổ chức tập huấn, hội nghị, tọa đàm giúp NLĐ hiểu và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, tuân thủ đúng nội quy, quy định của đơn vị, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể của 1.200 công nhân, lao động (CNLĐ) Công ty TNHH Dệt len Ecoway (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy); 400 CNLĐ Công ty TNHH Công nghiệp Yegin Vina và 100 CNLĐ Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước). Nguyên nhân do CNLĐ không đồng tình với cách tính thưởng năng suất hằng tháng của năm 2023, việc thay đổi chính sách hỗ trợ xe ca, thu nhập bị giảm, thái độ ứng xử của quản lý.

Qua các vụ ngừng việc, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ huyện Cai Lậy, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp ngành chức năng liên quan kịp thời nắm tình hình, tiến hành làm việc với đại diện Ban Giám đốc, CĐCS và NLĐ để trao đổi, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của CNLĐ; qua đối thoại và phương án giải quyết của Công ty, CNLĐ đồng tình và trở lại làm việc ổn định.

Năm 2023, các cấp CĐ tỉnh đã đăng tải trên 1.517 lượt tài liệu, hình ảnh tuyên truyền về các quy định của pháp luật, trong đó có nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của NLĐ. LĐLĐ tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp CĐ thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là trong việc tiếp thu, quán triệt học tập và thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Từ đó, các cấp CĐ phản ánh kịp thời hằng tháng với LĐLĐ tỉnh và ngành chức năng về những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất để có chủ trương giải quyết kịp thời.

LĐLĐ tỉnh xây dựng và triển khai, chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện kế hoạch truyền thông hoạt động CĐ. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông thường xuyên, liên tục về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tổ chức CĐ. Truyền thông các sự kiện của tổ chức CĐ: Tháng Công nhân, các hoạt động chăm lo đời sống NLĐ, việc tổ chức đại hội CĐ các cấp; truyền thông về các mô hình hay, cách làm tốt, gương CNVCLĐ tiêu biểu trong hoạt động CĐ…

Ngoài ra, các cấp CĐ tỉnh còn tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động... ở các doanh nghiệp (DN), nhất là về tiền lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán; việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ; tham gia giải quyết, kiến nghị xử lý vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội, kinh phí CĐ của các DN...

Các cấp CĐ chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 40 cuộc giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế giám sát và phản biện tại 40 DN về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; chấp hành pháp luật lao động, CĐ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chế độ chính sách đối với lao động nữ; công tác an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ môi trường; việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thực hiện thang, bảng lương, bữa ăn ca của NLĐ tại DN...

Qua giám sát, đoàn đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật lao động tại DN, hướng dẫn, góp ý DN thực hiện tốt hơn; đồng thời, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo DN và phản ánh cấp trên xem xét, giải quyết.

Đồng chí Hoàng Khắc Tinh cho biết, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao hiểu biết pháp luập cho NLĐ để DN và NLĐ có được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; đồng thời, giúp NLĐ vừa được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, vừa giúp DN ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa mối quan hệ DN và NLĐ ngày càng gắn bó, phát triển. Do đó, những năm qua, LĐLĐ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cả NLĐ và người sử dụng lao động.

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho NLĐ là nội dung trọng tâm trong hoạt động, hằng năm, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đều chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo chương trình công tác đã đề ra phù hợp với điều kiện làm việc, sản xuất, kinh doanh của từng nhóm đối tượng.

Theo đó, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL và nâng cao trình độ học vấn được CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các CĐCS thực hiện tốt trong công đoàn viên, CNLĐ. Các CĐCS đã phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp với lãnh đạo chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL trong công đoàn viên, CNLĐ.

Trong năm 2023, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp CĐ Công an tỉnh và Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức 2, tư vấn sức khỏe sinh sản cho CNLĐ tại 17 DN ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh thường xuyên đăng tải các tin, bài liên quan đến CĐ, NLĐ trên website LĐLĐ tỉnh Tiền Giang hằng tháng. Triển khai đến các CĐCS, công đoàn viên, CNLĐ thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các DN đến năm 2030”; Kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”.

"Thời gian tới, các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền, tư vấn pháp luật, các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến NLĐ với đa dạng hình thức tuyên truyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL đến CNVCLĐ, nhất là NLĐ trong các khu, cụm công nghiệp và DN khu vực ngoài Nhà nước.

LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ chú trọng tuyên truyền những nội dung về hợp đồng lao động; thực hiện đúng các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể, tuân thủ đúng thời gian nghỉ ngơi, ăn ca, nội quy, quy định của DN…

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ làm công tác tuyên truyền am hiểu về pháp luật, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với CNVCLĐ.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LĐLĐ TỈNH TIỀN GIANG
HOÀNG KHẮC TINH

Theo Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Chiến, công tác tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ vẫn còn một số hạn chế, do thời gian tuyên truyền trực tiếp tại DN không nhiều; còn CNLĐ chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến họ, nên nội dung nào không liên quan thì CNLĐ cũng ít quan tâm. Do đó khi tuyên truyền thì số lượng CNLĐ tham gia cũng không nhiều; thời gian tuyên truyền ngắn, CNLĐ cũng không thể hiểu hết các nội dung.

“Do đó, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh sẽ phối hợp chính quyền địa phương, chủ các nhà trọ công nhân tự quản duy trì tuyên truyền ở các khu nhà trọ công nhân tự quản. Khi đó, tuyên truyền pháp luật sẽ gắn với CNLĐ ở địa bàn khu dân cư, chấp hành pháp luật tại nơi cư trú.

Tuyên truyền tại nơi ở của CNLĐ, tạo điều kiện cho họ có không gian, thời gian thoải mái thì CNLĐ mới có thể vui vẻ tiếp thu. Còn tuyên truyền tại DN chỉ mang tính chất phổ biến mà không được sâu. Đặc biệt, khi tổ chức tuyên truyền, các cấp CĐ còn kết hợp tặng quà để thu hút CNLĐ đến lắng nghe, tham gia tuyên truyền pháp luật”, đồng chí Đặng Văn Chiến cho biết.

L.OANH

.
.
.