Thứ Năm, 18/04/2024, 16:20 (GMT+7)
.

Tiếp tục rà soát, nắm chắc đối tượng, nhu cầu học nghề và việc làm để mở lớp dạy nghề phù hợp

(ABO) Trong ngày 16 và 17-4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang do đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Cái Bè và UBND huyện Cai Lậy về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng ban Ban VH-XH HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cái Bè
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cái Bè.

Theo báo cáo của UBND huyện Cái Bè, đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 46/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2023 thường xuyên được quan tâm, theo dõi, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể huyện và Đảng ủy, UBND các xã tích cực tham gia tổ chức tuyên truyền, vận động học viên tham gia học nghề, từ đó công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn từng bước mang lại hiệu quả thiết thực hơn, giúp lao động nông thôn nắm được quy trình sản xuất tạo ra thu nhập, góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động trên địa bàn huyện Cái Bè giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, địa phương đã mở được 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với 2 ngành nghề gồm: Kỹ thuật trồng và nhân giống cây sầu riêng, kỹ thuật trồng và nhân giống cây mít, thu hút được 123 lao động tham gia học.

Đoàn Giám sát khảo sát tại Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè
Đoàn Giám sát khảo sát tại Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè.

Tổng kinh phí đã hỗ trợ là 123 triệu đồng. Theo đánh giá, tất cả học viên sau khi học nghề đều ứng dụng tốt kiến thức đã học vào công việc, giúp tăng thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Đối với huyện Cai Lậy, việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho người lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong giai đoạn 2021 - 2023 được Huyện ủy, UBND huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng bước đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời.

Công tác phổ biến, tuyên truyền thực hiện chính sách đối với người lao động nông thôn được triển khai khá đồng bộ, thường xuyên, phù hợp và hiệu quả; từng bước đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề đối với người lao động trên địa bàn huyện Cai Lậy từng bước có hiệu quả.

Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Cai Lậy
Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Cai Lậy.

Từ năm 2021 đến năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy mở được 18 lớp dạy nghề, thu hút được trên 620 học viên tham gia. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: Trồng và chăm sóc cây sầu riêng, kỹ thuật trồng lúa công nghệ cao, trồng và chăm sóc cây kiểng và kỹ thuật nuôi lươn. Tổng kinh phí tổ chức thực hiện trên 660 triệu đồng.

Qua đào tạo, người lao động được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, đã vận dụng tốt vào thực tế sản xuất tại gia đình. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau khi được đào tạo đạt tỷ lệ trên 80%.

Tại các buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy làm rõ các chỉ tiêu đào tạo nghề, công tác kiểm tra, giám sát, số lượng lao động tham gia đào tạo nghề và nguồn kinh phí thực hiện đối với việc đào tạo nghề… Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và đại diện lãnh đạo các phòng, ban đã giải trình các ý kiến mà Đoàn giám sát quan tâm.

Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân đề nghị UBND huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy tiếp tục rà soát, nắm chắc đối tượng, nhu cầu học nghề thực tế và nhu cầu việc làm của người lao động để đề xuất với các ngành liên quan mở các lớp dạy nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, nhất là việc liên kết đào tạo nghề, phương pháp, cách thức phối hợp đào tạo giữa địa phương với các trường, cơ sở đào tạo nghề theo đơn đặt hàng đào tạo, để làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện…

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác tuyên truyền, kiểm tra kết quả thực hiện và phải là tổ chức kết nối, là chỗ dựa, niềm tin cho người lao động…

Được biết, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với UBND các huyện: Gò Công Tây, Chợ Gạo, Gò Công Đông; các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời, khảo sát một số điểm trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho. Thời gian giám sát và khảo sát sẽ tiếp tục từ ngày 19-4 đến ngày 2-5.

HỮU TÂM
 
 

.
.
.