Thông tin này được nêu trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình, dự báo thời tiết và ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy rừng năm 2024 trên phạm vi cả nước mới đây.
Những kỷ lục đáng ngại
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiệt độ trung bình tháng 1 đến tháng 3/2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Trong tháng 4/2024, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C so trung bình các năm, các khu vực khác cao hơn từ 1,6-2,4 độ C. Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 4/2024 đạt 28 độ C, vượt giá trị lịch sử cũ là 27,1 độ C (hồi tháng 4/2019), trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử tính từ năm 1980.
Bên cạnh đó, tháng 4 vừa qua đã có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, trong đó có đến 44 trạm vượt giá trị lịch sử năm. Đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28/4 đo được là 44 độ C, đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị - chỉ kém 0,2 độ C so với giá trị nhiệt độ cao nhất từng xảy ra ở Việt Nam là 44,2 độ C ở Tương Dương, Nghệ An năm 2023. Có tới 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của tháng 4, trong đó có 29 tỉnh/thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm.
Về thời tiết những tháng tới, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7 đến tháng 9/2024, khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Cùng với sự biến chuyển của hiện tượng ENSO (để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina) như vậy thì năm nay sẽ là một năm thiên tai có rất nhiều điều bất thường. Trong đó, mùa hè năm 2024 ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Hiện, một số tỉnh đang có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất nguy hiểm (mức V). Tại Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng từ ngày 11-15/5 với mức nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi hơn 40 độ C, độ ẩm 35-45%. Tại Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam Bộ, từ ngày 11-16/5 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại, nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, độ ẩm 50-55%.
Cảnh giác cao độ với thời tiết khắc nghiệt
Theo các chuyên gia, không riêng gì nước ta, sự bất thường của khí hậu đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều hình thái khác nhau. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt hơn trong những tháng tới. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do tác động của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường của thời tiết, chủ động tìm nơi an toàn để phòng tránh. Đối với con người, nắng nóng gay gắt và đi kèm theo đó là tia cực tím rất mạnh sẽ dẫn đến các bệnh liên quan đến việc mất nước, đột quỵ, bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và bệnh về da... cần hết sức chú ý, cẩn trọng phòng tránh.
Bà Lan cho biết thêm, tại thời gian này, Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do vào giai đoạn chuyển mùa. Người dân có thể chủ động gia cố nhà cửa để phòng tránh giông, lốc. Ở các đô thị lớn, cơ quan chức năng có thể chủ động vệ sinh cây xanh, cắt tỉa cành, nhánh để tránh các sự cố đáng tiếc trong mùa mưa bão sắp tới. Ngành điện lực có thể chủ động kiểm tra đường dây, trụ điện, gia cố thêm cho an toàn.
Ngoài ra, mùa nắng nóng sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cháy rừng, cháy nổ. Sau những đợt nắng nóng sẽ có mưa rào và giông, có khả năng kèm theo hiện tượng lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là hiện tượng mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa sẽ gây nên hậu quả, tàn phá cây trồng của người dân.
Ngày 4/5, khu vực Quận 10, 11, Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện mưa khá lớn kéo dài khoảng 25 phút. Ảnh: CHÍ NHÂN |
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai, về mặt chính sách, Việt Nam đã có chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có kế hoạch chiến lược ứng phó thiên tai với tầm nhìn 5 năm, 10 năm, thậm chí xa hơn. "Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau trong việc thích ứng rất quan trọng, cần phải định hướng quá trình đó để thích ứng", ông Huy nhấn mạnh.
(Theo nhandan.vn)