.

Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" giữa đời thường

Cập nhật: 14:47, 03/05/2024 (GMT+7)
(ABO) Chiến tranh đã qua đi và lùi xa theo năm tháng, nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Vượt qua khó khăn, bệnh tật, trở về cuộc sống đời thường, những người thương binh, bệnh binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Minh chứng cho những điển hình như thế là cựu chiến binh, thương binh Trương Văn Sang, ngụ ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
 

Cựu chiến binh Trương Văn Sang.

Tham gia cách mạng năm 1965 tại Tiểu đoàn 514 tỉnh Định Tường, ông Trương Văn Sang từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, rồi tham gia chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972 và làm nhiệm vụ bảo vệ tại Tỉnh đội Mỹ Tho. Năm 1976, ông Sang phục viên trở về địa phương. Hơn 10 năm tham gia cách mạng, ông đã 2 lần bị thương và khi trở về quê nhà được công nhận thương binh hạng 2/4.

Ông Sang cho biết, sống sót trở về địa phương sau những trận chiến ác liệt, ông gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với bản lĩnh của "Bộ đội Cụ Hồ", ông đã bắt tay vào sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình và ông chọn cây nếp bè làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế. 
 
Với 1,3 ha đất ruộng, ông Sang thực hiện chuyên canh 3 vụ nếp/năm. Lúc đầu do không nắm bắt tiến bộ kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao, sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên năng suất canh tác nếp từng bước nâng lên, có lợi nhuận. Sau những đợt thu hoạch được mùa, được giá, kinh tế gia đình ông Sang từng bước ổn định. Trong khoảng thời gian này, gia đình ông còn đầu tư thêm máy phóng lúa, máy cày làm thuê cho bà con trong xã Tân Bình Thạnh để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
 
 
Bên cạnh trồng nếp bè, ông Sang còn mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò thịt, vận dụng phương châm “lấy công làm lời”, tận dụng đất trống vườn nhà trồng cỏ, tận dụng rơm rạ trong các vụ thu hoạch nếp làm thức ăn cho bò. Nhờ vậy, đàn bò luôn duy trì từ 10 con trở lên, phát triển tốt. Hằng năm, ông có thêm nguồn thu trên 100 triệu đồng từ đàn bò thịt. Từ nguồn thu này, giúp ông tích lũy, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con khôn lớn.
 
Hơn 10 năm nay, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, ông Sang bắt đầu chuyển diện tích trồng nếp bè sang trồng thanh ruột đỏ. Với 1 ha thanh long, ngoài việc tự ra trái theo mùa vụ, ông thực hiện xông đèn xử lý ra hoa trái vụ, mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 40 tấn trái thanh long, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 300 triệu đồng. 
 
Từng bị thương trong kháng chiến, đã lớn tuổi, sức khỏe không còn dẻo dai nhưng ông Sang vẫn nhiệt tình tham gia sinh hoạt Chi hội Cựu chiến binh ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh và trở thành hội viên gương mẫu. Ngoài ra, ông còn rất nhiệt tình tham gia cùng bà con trong xóm ấp giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cấp xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
 
Ông Sang cho biết, năm 2016 để có điện xông thanh long, bản thân ông đề nghị UBND xã Tân Bình Thạnh và vận động bà con trong khu vực đóng góp kéo đường dây hạ thế, hạ bình để phục vụ xông thanh long ra hoa trái vụ và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, hệ thống đường dây hạ thế này vẫn còn được sử dụng để hạ bình phục vụ xông thanh long cho bà con trong trên địa bàn.
 

Ông Sang chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với những người dân trong xóm ấp.

 
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình Thạnh Trần Tấn Thành cho biết, ông Sang rất được bà con trong xóm quý mến và tin tưởng, ông thường xuyên được bà con tín nhiệm bầu vào Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để giám sát nhiều công trình thi công trên địa bàn ấp Bình Cánh như nạo vét kinh Tập đoàn 7, giám sát việc dặm vá các tuyến đường giao thông trong ấp, vận động nhân dân xây dựng 1 cầu bê tông. Với uy tín của ình, gần đây nhất, ông Sang được bầu vào Ban Giám sát công trình bê tông lộ Tập đoàn 7.
 
Hiện nay dù đã lớn tuổi, không còn trực tiếp tham gia sản xuất nhưng ông Sang vẫn luôn động viên, dạy bảo con cháu trong gia đình nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình ông hằng năm đều được công nhận là gia đình văn hóa, gia đình hội viên cựu chiến binh tiêu biểu của xã Tân Bình thạnh. Bản thân ông luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. 75 năm tuổi đời, cựu chiến binh, thương binh Trương Văn Sang luôn nêu cao phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong cuộc sống đời thường.
 
HƯỞNG XUYÊN - P. MAI
 
.
.
.