Tiền Giang: Công nhân, lao động kiến nghị nhiều vấn đề bảo hiểm xã hội
Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của công nhân, lao động (CNLĐ) tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh với CNLĐ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước).
CNLĐ phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
* Cử tri Trần Huy Hùng, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Delta Tiền Giang đặt câu hỏi: “Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi là không được rút BHXH 1 lần, như vậy những người không đủ tuổi nghỉ hưu sẽ như thế nào nếu họ không làm việc nữa, nếu rút 50%, còn lại 50% sẽ đi về đâu? Lao động khó khăn nên mới rút BHXH 1 lần mà Luật lại quy định như trên thì có thỏa đáng không? Nếu tôi tham gia BHXH trên 15 năm mà nghỉ việc sẽ không được thanh toán BHXH 1 lần, thông tin này đúng hay sai?”.
- Trả lời vấn đề của cử tri Trần Huy Hùng phản ánh, đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, về nội dung này, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật BHXH ngày 22-3-2024 (khoản 1 điều 74) với 2 phương án về BHXH 1 lần, như sau:
Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động (NLĐ) được nhận BHXH 1 lần. Với phương án này (giữ nguyên như hiện hành) thì NLĐ rất đồng tình.
"ĐBQH mong muốn tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là CNLĐ về đời sống, việc làm; đồng thời, cũng là dịp để CNLĐ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội xem xét, liên quan trực tiếp đến NLĐ, như: Luật BHXH, Luật Công đoàn (sửa đổi)… Đây là một diễn đàn, hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của CNLĐ và cơ sở pháp lý rất quan trọng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam hoạt động”. CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH TIỀN GIANG LÊ MINH HÙNG |
Tuy nhiên, NLĐ muốn tham gia lại phải tích lũy từ đầu nên thiệt thòi trong thụ hưởng các chế độ BHXH do thời gian đóng ngắn, đặc biệt rất có thể không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Với phương án này sau khi NLĐ hưởng BHXH 1 lần (do khi nghỉ việc NLĐ mất thu nhập, đang khó khăn), vẫn còn phần bảo lưu về thời gian tham gia BHXH.
Khi NLĐ tái tham gia BHXH sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; NLĐ có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng trình giảm số năm tham gia BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, NLĐ có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
* Cử tri Nguyễn Thị Cẩm Tú, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Yegin Vina đặt câu hỏi đến Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh như sau: “Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để nhiều NLĐ được hưởng chế độ hưu trí, nhưng mức lương được hưởng sẽ rất thấp. Đề nghị Quốc hội xem xét nên có các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những NLĐ có mức tiền lương hưu quá thấp do số năm tham gia BHXH thấp như đã nêu”.
- Đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, khoản 1, điều 70 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định thời gian NLĐ đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại điều khoản này thì được hưởng lương hưu (giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm, đây là điều kiện quan trọng có sức hấp dẫn đối với người tham gia BHXH).
Do giảm đáng kể số năm đóng BHXH nên khi nghỉ hưu, lương hưu thực lĩnh sẽ thấp, nhất là những người khi còn làm việc có mức lương quá thấp. Hiện tại, trong Luật BHXH hiện hành là không thể thực hiện được nguyên tắc chia sẻ trong các chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất).
Theo khoản 1 điều 74, dự thảo Luật BHXH sửa đổi ngày 22-3-2024 có quy định: Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại điều 68 của dự thảo Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 76 của Luật này tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại điều 68 của Luật này có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Đề nghị Quốc hội xem xét Luật BHXH sửa đổi cần nghiên cứu: Mức lương hưu hằng tháng - thấp nhất bằng 45%, cao nhất 75%, các tỷ lệ này có thể quy định xê dịch theo hướng có lợi cho NLĐ trước khi nghỉ hưu có mức lương quá thấp.
Quang cảnh buổi tiếp xúc. |
* Cử tri Trần Văn Cưỡng, đang làm việc tại Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng đặt câu hỏi: “NLĐ làm việc ở nhiều nơi thì tham gia đóng BHXH, BHYT thế nào. Sau khi nghỉ việc, ngoài trợ cấp thất nghiệp thì NLĐ cần thỏa mãn điều kiện gì để được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề, mức hỗ trợ là bao nhiêu và trong vòng bao lâu?”.
- Với nội dung NLĐ làm việc ở nhiều nơi thì tham gia đóng BHXH, BHYT thế nào, đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, theo khoản 1 điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể, NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1-1-2018). Đối với NLĐ giao kết nhiều HĐLĐ (làm việc nhiều nơi) thì việc tham gia BHXH được quy định tại điều 85 Luật BHXH như sau: “NLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 2 của Luật này mà giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 điều này đối với HĐLĐ giao kết đầu tiên”.
Theo khoản 2 điều 13 Luật BHYT năm 2014: “Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều HĐLĐ không xác định thời hạn, hay HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất”. Vậy, trường hợp NLĐ giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng được giao kết đầu tiên và đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.
Tại hội nghị, các cử tri CNLĐ, cán bộ Công đoàn còn nêu ý kiến về các vấn đề như: “Tín dụng đen”, đóng góp dự thảo Luật BHXH sửa đổi, góp ý dự thảo Luật Công đoàn, xử lý các doanh nghiệp trốn, chậm, nợ BHXH của NLĐ… Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tạ Minh Tâm đã tiếp thu các ý kiến phản ánh của cử tri CNLĐ, nghiên cứu nhóm các vấn đề để tham gia đóng góp trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho CNLĐ. |
Về điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề: Căn cứ khoản 3, điều 55 Luật Việc làm thì NLĐ theo quy định tại khoản 1, điều 43 Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ điều kiện sau:
Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Mức hỗ trợ học nghề: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
LÝ OANH