Chủ Nhật, 09/06/2024, 16:25 (GMT+7)
.

Để không còn "điệp khúc" thiếu nước

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt do hạn xâm nhập mặn gây ra, nhất là khu vực ven biển, vùng ngọt hóa như Tiền Giang, Bến Tre...

Lực lượng vũ trang Quân khu 9 vận chuyển nước ngọt hỗ trợ người dân. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 vận chuyển nước ngọt hỗ trợ người dân. Ảnh: LÊ PHƯƠNG

Nhiều nơi khan hiếm nước

Gò Công Đông cùng với Chợ Gạo, Gò Công Tây và thị xã Gò Công là bốn địa phương thuộc vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Khu vực này có diện tích tự nhiên 54.400 ha, trong đó đất sản xuất trên 45.500 ha. Toàn vùng chỉ lấy nước ngọt độc đạo qua cống Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, đối với vùng ngọt hóa Gò Công, từ năm 2016 đến 2023, địa phương đã chi hơn 60,8 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh để nạo vét 21 tuyến kênh chính, kênh cấp 1 do tỉnh quản lý để tăng khả năng trữ nước ngọt. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã chủ động chi 18,8 tỷ đồng thực hiện nạo vét 83 tuyến kênh nội đồng nhằm ứng phó với hạn mặn năm 2024. Tuy nhiên, mùa khô năm 2024, người dân ven biển vùng ngọt hóa Gò Công vẫn đối mặt tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng, phải nhờ vào những chuyến xe mang nước ngọt từ thiện ở nơi khác đến, dù Nhà máy nước Đồng Tâm đã vận hành tối đa công suất (68.000-70.000 m3/ngày đêm) để “chi viện” thêm cho khu vực phía đông.

Chị Trần Thị Quế Anh, ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cho biết: Xã tôi đang sống nằm ở cuối nguồn nước ngọt, thời gian vừa qua có nhiều ngày nước ngọt không chảy về, nước tích trữ trong kênh, mương cạn kiệt nên thiếu nước trầm trọng. Địa phương có vòi nước công cộng nhưng chảy rất yếu.

Không riêng người dân vùng ngọt hóa Gò Công phải chịu ảnh hưởng từ đợt hạn mặn vừa qua mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tương tự. Theo thống kê, trong mùa khô này, toàn tỉnh Tiền Giang có ít nhất 3.000 hộ rơi vào cảnh thiếu nước.

Còn tại vùng bắc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong mùa khô năm 2023 - 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn giao, vận hành hai công trình điều tiết mặn ngọt là cống Tân Phú (xã Tân Phú) và cống Bến Rớ (xã Tiên Long). Hai công trình này được vận hành đã ngăn nước mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông xâm nhập vào thượng nguồn sông Ba Lai và cung cấp nước ngọt cho hàng nghìn hộ dân, hàng nghìn ha cây ăn trái ở vùng Bắc Châu Thành và thành phố Bến Tre.

Hiện tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m3/giờ (khoảng 250.000 m3/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Song, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số dự án cống ngăn mặn đã và đang triển khai nhưng chậm tiến độ hoặc chưa hoàn chỉnh, một số chưa được triển khai do thiếu vốn đã khiến nhiều nơi đối mặt thiếu nước ngọt. Hay như tại huyện Ba Tri, hệ thống công trình cống trên địa bàn huyện chưa khép kín; tại huyện Mỏ Cày Nam nhiều vùng chưa có đê bao khép kín, khiến người dân luôn sống trong tình trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết: Các giải pháp công trình đã phát huy hiệu quả tại tỉnh Bến Tre, nếu được khép kín hơn nữa sẽ rất tốt trong tương lai. Phải xác định vùng nào cần đắp đập để trữ nước ngọt, bảo đảm cung cấp nước cho dân. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng hai nhà máy nước lớn của tỉnh là Sơn Đông và An Hiệp, khi canh nước ngọt trên sông Ba Lai, chúng tôi sẽ bơm liên tục trữ vô các dòng kênh chung quanh đó. Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống cống lớn, nhỏ tùy theo con nước, tùy theo độ mặn mà đóng mở một cách hợp lý.

Đồng bộ các giải pháp

Từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, đến nay nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi khép kín để ngăn mặn trữ ngọt, nổi bật như: Công trình Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang); cống âu Kênh Nguyễn Tấn Thành, hệ thống cống ven sông Tiền (Tiền Giang); cống Tân Phú-Bến Rớ (Bến Tre)... đã phát huy hiệu quả.

Theo quan điểm của PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Khoa học và Thủy lợi miền nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, bên cạnh các giải pháp phi công trình (công tác điều hành), giải pháp công trình rất quan trọng. Đó là các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m3. Trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.

Theo ông Hoằng, cần xây dựng các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn. Trong đó, tập trung xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Nghiên cứu, thực hiện xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu. Đồng thời, triển khai nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt. Xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều; nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân...

Cùng đó, cần nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân, trong đó ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn, sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang). Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn, sử dụng kết hợp các nguồn: Dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm (hạn chế), xây dựng hồ trữ nước ngọt. Cùng với xây dựng các hồ chứa phân tán.

Còn theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biển đã sống chung với hạn - mặn từ 300 năm nay. Vì vậy, trong bối cảnh hạn-mặn càng ngày càng phức tạp hơn, người dân hoàn toàn chủ động tìm giải pháp để giảm thiệt hại. Có nhiều người dân tự đầu tư trang bị máy đo mặn, sau đó thông báo trong cộng đồng với nhau.

Ở các vùng ngọt, chưa cần tới dự báo của cơ quan chức năng, người dân đã tự dự báo và chuẩn bị ứng phó, như xuống giống sớm hơn để tránh hạn-mặn. Mặc dù chỉ đạo của cấp chính quyền là xuống giống trước cuối tháng 12/2023, nhưng có nhiều vùng giữa tháng 11/2023 đã xuống giống rồi, vì liên quan sinh kế của họ, nên phải chủ động. Người dân cũng biết trữ nước trong điều kiện của họ, nên giảm nhiều áp lực cho cấp nước sinh hoạt. Người dân cũng biết cách chuyển đổi sản xuất, như lúa-tôm, để thích nghi. Giải pháp của người dân cũng là gợi ý cho nhà khoa học, chính quyền để có thể nhân rộng.

Về lâu dài, cần giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản, rau màu và cây ăn trái; tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên; xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Ngoài ra, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.

                                                                                                                                         (Theo nhandan.vn)

.
.
.