Người dân bị lừa qua mạng năm 2023 khoảng 10.000 tỷ đồng
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính và có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Thông tin trên vừa được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra tại hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Napas, Sở Công thương TPHCM và các đơn vị tổ chức vào chiều 14-6 tại TPHCM.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, trong suốt 6 năm qua, chương trình "Ngày không tiền mặt" đã tổ chức 5 hội thảo quốc gia với các chủ đề khác nhau như: xây dựng và hiến kế để tiến đến quốc gia không tiền mặt, chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt, kết nối dữ liệu thúc đẩy thanh toán không tiền mặt… Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của không tiền mặt. Do đó, chủ đề chương trình "Ngày không tiền mặt" năm 2024 là Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, đến nay 100% bệnh viện công tại TPHCM đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, có 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ này đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.
Các chuyên gia thảo luận về biện pháp đảm bảo an toàn khi thanh toán không tiền mặt |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết 2023, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiên phong trong việc giao dịch không dùng tiền mặt, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy không dùng tiền mặt. Trước đây kho bạc nào cũng có kho chứa tiền, xe chở tiền. Nhưng đến nay không dùng tiền mặt nữa, nên kho bỏ không, xe chở tiền được bán đấu giá. Hơn 99% giao dịch thu chi ngân sách đến nay không còn dùng tiền mặt. 40.000 đơn vị nhà nước đã ủy quyền cho kho bạc thanh toán tự động các khoản chi, với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin tại hội thảo |
Bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an - A05) cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% vụ lừa đảo liên quan lĩnh vực tài chính và có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Trong năm 2023, A05 đã xác minh và phát hiện nhiều vụ tin tặc, gián điệp mạng đánh cắp và mã hóa một lượng lớn dữ liệu quan trọng. Đồng thời, phối hợp với công an các địa phương, Cục A05 đã khởi tố hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Một số vụ án điển hình như việc triệt phá hơn 20 ổ nhóm, thu giữ nhiều thiết bị giả mạo trạm thu phát sóng di động (BTS); phối hợp với Công an Quảng Bình triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.800 tỷ đồng; hay việc Công an TPHCM và Bắc Giang lần lượt triệt phá các ổ nhóm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt, tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật, sử dụng công nghệ cao. Tội phạm trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar…, đa số các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần do người dùng mạng xã hội thiếu ý thức, thiếu cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.
Để ngăn chặn hoạt động lừa đảo trực tuyến, A05 đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia để cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng, dự kiến ra mắt trong quý 3 năm 2024.
Khuyến cáo của Bộ Công an Từ ngày 1-7, quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực nhằm tăng cường các biện pháp xác thực trong giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, tội phạm đang tìm cách đối phó với quy định mới này. Trước tình hình đó, A05 đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo: 1. Tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. 2. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. 3. Tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. 4. Cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng. Ngoài sự cảnh giác của người dân, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp liên quan. Người dân cần hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn của kẻ lừa đảo và trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng, chống các hoạt động này. |
Theo sggp.org.vn