Chủ Nhật, 09/06/2024, 10:19 (GMT+7)
.

Thông tin xuyên tạc ẩn tu của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ)

Thay vì tôn trọng quyền cá nhân ẩn tu của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) thì nhiều người tiếp tục tìm ông và gia đình ông để quay phim, chụp ảnh, đăng tải các video với mục đích câu view, câu like.

Trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ vừa đăng thông tin liên quan đến những xuyên tạc xoay quanh quyết định ẩn tu của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ).

Theo đó, trong nhiều ngày qua, việc ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) ẩn tu đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, cùng với đó, rất nhiều thông tin sai lệch xuyên tạc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận. Thay vì tôn trọng quyền cá nhân ẩn tu của ông Lê Anh Tú thì nhiều người tiếp tục tìm ông và gia đình ông để quay phim, chụp ảnh, đăng tải các video với mục đích câu view câu like, Chương trình thời sự VTV1 phát sóng lúc 19 giờ, ngày 8-6-2024 đã thông tin trong phóng sự "Thông tin xuyên tạc ẩn tu của ông (Thích Minh Tuệ)".

Nhiều ngày trước đây, khi đoàn người đi theo ông Lê Anh Tú ngày càng đông, thì việc tụ tập đông người ngày càng phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh trật tự và an toàn giao thông. Mặc dù, chính ông Lê Anh Tú đã không ít lần bày tỏ mong muốn của mình, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tiếp tục đi theo ông.

Ông Lê Anh Tú đã khuyên mọi người về làm công việc của mình, không cần ai đi theo nữa, bởi vì, đi theo vừa mất trật tự giao thông và cũng không cần phải như thế.

Với tình trạng người dân xô đẩy tràn ra đường, mọi hoạt động của ông Lê Anh Tú đều bị quay lại, phát tán trên mạng trong những ngày qua. Nhiều người dân cho rằng, sự yêu mến, sự hiếu kỳ cùng với mục đích kinh doanh của nhiều người đã quá làm phiền ông.

Ông Trần Văn Thạnh, xã Phước Quang, Tuy Phước, tỉnh Bình Định chia sẻ: “Đi theo mức độ đông như vậy thì ảnh hưởng tới trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; thứ hai nữa, kéo theo làm ảnh hưởng tới người tu hành; quấy rầy ông Minh Tuệ làm ảnh hưởng tới việc tu tập của ông Minh Tuệ”.

Ông Nguyễn Sơn, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Ông Minh Tuệ cũng là con người. Ông ấy cũng cần có sức khỏe mà không cho ông ấy nghỉ ngơi thì thử hỏi sức khỏe còn bao nhiêu lượt nữa, sao còn đi theo hành đạo của ông được. Nếu mà mình cố tình như vậy là mình đã làm phiền ông nhiều lắm, rất là nhiều”.

Sau khi ông Lê Anh Tú dừng cuộc bộ hành để ẩn tu, các đối tượng chống phá đã lợi dụng sự việc này để xuyên tạc chính sách tôn giáo ở Việt Nam, đưa tin sai sự thật về việc phân biệt đối xử đàn áp tôn giáo, bịa đặt ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) bị bắt cưỡng bức buộc phải dừng việc tu tập.

Thực tế, ông Lê Anh Tú sau 7 ngày ẩn tu đã chia sẻ: “Tinh thần và sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo để học tập theo lời Phật dạy được, không có người dân đông như thế, hay là những việc không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông xã hội, thì con vẫn học tập ở ngoài, không có gì thay đổi cả. Nguyện vọng học tập của mình mà làm ách tắc, mình đi không được, thì mình cũng nên dừng. Con cũng mong muốn, khi ra đường thì mọi người đừng tập trung như thế, làm ảnh hưởng, buộc mình không học được nữa. Theo họ để quay phim, làm những việc như kiếm tiền, hay là những cái gì đó. Những điều đó lại không phù hợp”.

Mới đây, gia đình ông Lê Anh Tú cũng đã có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông Lê Anh Tú để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng đến ông và gia đình.

Việc tu tập thực hành giáo lý nhà Phật là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ. Quyết định dừng bộ hành để ẩn tu của ông Lê Anh Tú cần được tôn trọng. Nhiều người cho rằng, đã tới lúc cần siết chặt công tác quản lý nội dung số, nếu không các Youtuber, Tiktoker vì lợi ích kinh tế sẽ tiếp tục bất chấp để kiếm tiền mà không quan tâm đến hậu quả có thể gây ra cho xã hội.

Trước đó, sáng 3-6, thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.

Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

a
Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ

Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, ngày 30-5 xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại quận 1, TPHCM bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong; tiếp theo đó là ngày 2-6 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.

Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ

.
.
.