Có thể đóng bù thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu tối đa 75%
Người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH để hưởng mức tối đa có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Có thể đóng BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng lương hưu tối đa
Bà Nguyễn Thị Châu sinh ngày 6-7-1968, nghỉ hưu ngày 1-12-2024. Bà Châu đóng BHXH được 29 năm 4 tháng. Theo quy định, tỷ lệ hưởng 75% lương hưu với lao động nữ là 30 năm. Vậy bà Châu sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào? Liệu bà có được đóng bù 8 tháng còn thiếu để được hưởng lương hưu tỷ lệ tối đa (75%) hay không?
Về vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, theo Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (đã được sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động năm 2019) thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Người lao động đóng BHXH chưa đủ 15 năm, nếu không rút BHXH một lần khi đủ tuổi hưu sẽ được hưởng trợ cấp BHXH. Ảnh minh họa: Chí Hiếu. |
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức lương hưu hàng tháng là 75% thì lao động nữ khi đủ tuổi hưởng lương hưu cần có đủ 30 năm đóng BHXH.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu. Mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng tổng mức đóng trước khi nghỉ việc.
Bà Châu sinh ngày 6-7-1968, đến ngày 1-12-2024 đủ tuổi nghỉ hưu và thiếu 8 tháng đóng BHXH để đủ 30 năm đóng BHXH. Như vậy, bà Châu có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, không thuộc đối tượng được đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định trên.
Luật BHXH năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được đóng BHXH bắt buộc một lần cho đủ 30 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa.
Tuy nhiên, bà Châu có thể tiếp tục đóng BHXH cho đủ 30 năm (BHXH bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện). Để được hướng dẫn về các tình huống đóng BHXH và tư vấn chi tiết về thời điểm hưởng lương hưu trong từng trường hợp cần xem xét theo hồ sơ cụ thể.
Nên hưởng trợ cấp BHXH thay vì rút "một cục"
Bà Nguyễn Thu Hoa (Hà Nội) đặt câu hỏi: Luật BHXH 2024 quy định về trợ cấp BHXH hàng tháng khi chưa đủ 15 năm để nghỉ hưu. Bà Hoa đóng BHXH 5 năm, với mức thu nhập là 1.500.000 đồng, vậy bà có được hưởng trợ cấp BHXH khi đủ 60 tuổi không? Mức hưởng, điều kiện hưởng như thế nào?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 đã bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Nếu người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu (chưa đóng đủ 15 năm), chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), không lĩnh BHXH một lần mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; khi mất thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận cũng như hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.
Khi triển khai Luật BHXH 2024, Chính phủ sẽ quy định cụ thể cách tính mức hưởng, thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng nêu trên.
Theo vietnamnet.vn