Cựu chiến binh đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế
Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu xuyên suốt được cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang luôn quán triệt, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và đạt nhiều kết quả quan trọng.
KHÔNG CÒN HỘI VIÊN CCB NGHÈO
Hội CCB huyện Chợ Gạo hiện có 22 cơ sở hội với 2.841 hội viên. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện không còn gia đình CCB thuộc hộ nghèo. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Chợ Gạo Lê Văn Chất cho biết, trong Chương trình phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Chợ Gạo giai đoạn 2021-2025 giữa Phòng LĐ-TB&XH và Ủy ban MTTQ huyện đã chỉ rõ từng nội dung phối hợp.
CCB Lê Văn Tiền, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo với mô hình trồng hoa. |
Trong đó, chú trọng phối hợp các tổ chức thành viên, các hội, đoàn thể triển khai xây dựng thực hiện các mô hình giảm nghèo; phối hợp các ngành mở các cuộc hội thảo, lớp dạy nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm, khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất. Từ đó, các tổ chức đoàn thể, địa phương đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo giúp hộ nghèo, cận nghèo từng bước thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu là Hội CCB huyện đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế.
Thường trực Hội CCB huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo các cấp hội bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền vận động hội viên CCB phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đi vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả” PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CCB HUYỆN CHỢ GẠO PHAN TRIẾT KHOA |
Cụ thể, Hội CCB huyện Chợ Gạo đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn, vận động hội viên CCB phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và địa phương để xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, năng suất, sản phẩm chất lượng, cạnh tranh cao, gắn với bảo vệ môi trường; kết hợp phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở các địa bàn.
Từ đó, nhiều phong trào, mô hình phát triển kinh tế hay trong hội viên CCB được nhân rộng. Thực hiện chủ trương khai thác nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Chợ Gạo, số tiền cho vay hằng năm tăng 10% - 15% so với năm trước, đảm bảo cho hộ hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Số dư nợ từ NHCSXH đến nay là trên 36 tỷ đồng, với 932 hộ vay.
Thực hiện chương trình của Hội CCB tỉnh Tiền Giang về xóa hộ hội viên nghèo, hộ hội viên ở nhà chưa đạt “3 cứng”. 5 năm qua, các cấp hội tổ chức giúp nhau ngày công lao động; hỗ trợ cây, con giống, triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất như: Cải tạo vườn tạp, trồng cây thanh long, chăn nuôi heo, bò, dê, gà, cút... đã giúp cho hàng ngàn lượt gia đình hội viên ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, trong số đó có hàng trăm hộ hội viên từ hộ trung bình vươn lên hộ khá, hộ giàu xây nhà kiên cố, khang trang. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo luôn giữ vững thành tích hộ hội viên ở nhà đạt “3 cứng” trở lên; mức sống hiện nay của hội viên CCB toàn huyện theo chuẩn mới.
Các cấp hội đã phối hợp các ngành giới thiệu, tạo việc làm mới có thu nhập ổn định cho 312 lao động là con CCB, cựu quân nhân và 454 lao động trong hộ gia đình CCB, cựu quân nhân. Hội CCB các cấp đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân cùng cấp tổ chức 281 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; củng cố 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 1 trang trại, 25 gia trại, 64 hộ kinh doanh.
5 năm qua, toàn huyện có 975 hội viên CCB đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội viên chăn nuôi, kinh doanh có mức thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, với tinh thần tương thân, tương ái, Hội CCB huyện vận động cán bộ, hội viên đóng góp, hỗ trợ xây nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên CCB tỉnh Điện Biên; hỗ trợ Hội CCB huyện Tân Phú Đông 60 triệu đồng xây 2 nhà tình đồng đội. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các chương trình: “1 tăng, 4 giảm”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Hội CCB toàn huyện Chợ Gạo đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tích cực vận động hội viên và người dân trên địa bàn tham gia tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn; xây 13 cây cầu bê tông bắt qua kinh, rạch; nạo vét kinh, mương nội đồng, khai thông dòng chảy, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường nông thôn; hội viên đóng góp 2.591 ngày công và trên 1 tỷ đồng tiền mặt; có 31 hội viên hiến 20.997 m2 đất làm đường, làm các công trình công cộng ở khu dân cư.
NHIỀU MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, được gia đình cho vài công đất, CCB Lê Văn Tiền, ở ấp Lương Phú A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo gặp rất nhiều khó khăn, cảnh nhà luôn “thiếu trước hụt sau”. Nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, không khuất phục khó khăn, ông đã vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của Hội CCB xã, huyện và chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư chuyển toàn bộ đất trồng lúa sang sang trồng hoa màu.
Với tính ham học hỏi và thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên việc trồng hoa màu của ông Tiền đã cho năng suất cao. Từ đó, cuộc sống của vợ chồng ông Tiền bớt vất vả. Nhận thấy thổ nhưỡng địa phương phù hợp với trồng hoa, ông Tiền đã chuyển đổi hơn 2 công đất sang chuyên trồng hoa để bán vào mỗi dịp tết, trung bình mỗi năm khoảng 3.000 giỏ hoa, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.
CCB Võ Văn Việt (bên tay trái), chủ cơ sở sản xuất đồ mộc ở thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo. |
Trở về từ chiến trường Camphuchia với thương tật 81%, với cánh tay trái cụt gần tới khuỷu tay, các đầu ngón tay của bàn tay phải không còn, mắt trái bị thương, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh Bình vẫn kiên cường chiến thắng nghèo khó. Từ 2 công đất ruộng ông bà cho, vợ chồng ông Sơn cần cù, chăm chỉ chăn nuôi heo, bò… Tích góp qua nhiều năm, vợ chồng ông đã xây dựng nhà khang trang, mua đất trồng thanh long. Hiện tại, ông có hơn 8 công đất trồng thanh long ruột đỏ đang cho trái, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ chỗ kinh tế khó khăn, gia đình ông dần có “của ăn, của để”, tạo dựng được cơ ngơi khang trang.
Chúng tôi đến thăm trại sản xuất đồ mộc của gia đình CCB Võ Văn Việt tại thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo không khí làm việc hăng say của những thợ mộc, tiếng máy cưa, máy xẻ, máy bào gỗ vẫn vang lên đều nhịp. Ông Việt bùi ngùi nhớ lại: “Để có cơ ngơi phát triển như ngày hôm nay, bản thân và gia đình cũng cố gắng rất nhiều. Về quê với 2 bàn tay trắng, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, tôi phải đi làm thuê làm mướn, chăn nuôi heo, gà… Vất vả là vậy mà cuộc sống khó vẫn hoàn khó. Qua sự học hỏi, trau dồi bản thân và ý chí muốn xây dựng một trại mộc cho chính mình làm chủ, tôi quyết định mở trại mộc để có cơ hội thử sức mình. Trại ban đầu chỉ rộng vài chục m2, tuy khó khăn về vốn, song tôi lại am hiểu về đồ mộc, có kinh nghiệm trong tìm kiếm thị trường, các sản phẩm gỗ làm ra đều tinh xảo, đẹp và được nhiều người quanh vùng tin tưởng, đặt làm”.
Tính đến nay, ông Việt cũng đã gắn bó với nghề mộc gần 40 năm. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, ông Việt tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng diện tích trại mộc và cửa hàng kinh doanh mua bán đồ trang trí nội thất bằng gỗ, đầu tư mua thêm máy làm mộc. Sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, giúp trại mộc của ông Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
LÊ PHƯƠNG - T.H