Để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số nhanh tạo ra những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa.
THÁCH THỨC GIÀ HÓA
Thông tin từ UNFPA, vào thời điểm năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số Việt Nam và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.
Quá trình già hóa dân số ở nước ta đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó nổi lên 2 thách thức lớn. Thứ nhất, là sự chuyển dịch cơ cấu dân số dẫn đến suy giảm lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; suy giảm năng suất lao động và tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, là áp lực tài chính gia tăng, đặc biệt đối với xã hội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa giàu, dẫn đến nguy cơ tăng nợ và thâm hụt, đẩy lãi suất lên cao, đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô; tạo sức ép trong bảo đảm thu nhập, bảo đảm an sinh, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT)…
NCT là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc. |
Do đó, các chính sách cần định hướng hỗ trợ người trẻ tuổi chuẩn bị tốt cho tuổi già của cha mẹ và bản thân từ sớm thông qua việc tham gia thị trường lao động, tham gia bảo hiểm để bảo đảm có thu nhập thường xuyên khi về già; cải cách và tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội; tăng tuổi nghỉ hưu chính thức và thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; giảm các ưu đãi tài chính cho việc nghỉ hưu sớm và rút bảo hiểm xã hội một lần; bình đẳng hóa phúc lợi giữa người lao động khu vực công và tư nhân để mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; thúc đẩy hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội cho (NCT).
NCT RẤT CẦN CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Nhìn chung, NCT Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh như mong muốn. Báo cáo năm 2006 cho thấy, số NCT tự đánh giá về sức khỏe bản thân là khá tốt, chỉ là 5,7% và 22,9% đánh giá sức khỏe kém. Điều tra về NCT năm 2011 cũng chỉ ra rằng, hơn 55% số NCT đánh giá sức khỏe bản thân là yếu và rất yếu.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, một đặc điểm nữa ở NCT nước ta là đa số họ thường mắc bệnh không lây nhiễm và lại mắc đồng thời các bệnh phối hợp. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, trung bình mỗi NCT mang trong cơ thể 2,69 bệnh, phổ biến là bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội tiết - chuyển hóa, tiêu hóa, tâm thần kinh, hô hấp, thận tiết niệu. Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cũng cho biết, một người từ 80 tuổi trở lên trung bình mắc hơn 6 loại bệnh.
Về yếu tố tinh thần, sự thay đổi về mặt xã hội, yếu tố tâm lý, sự suy giảm sức khỏe, bệnh tật và những lo lắng trong cuộc sống, sự cô đơn và mất đi người bạn đời, dễ làm NCT suy sụp. Kết quả nghiên cứu tại một số địa phương cho thấy, có 67% NCT gặp phải tình trạng khó ngủ, 51% NCT có lo lắng về cuộc sống, 40% thường xuyên buồn rầu; 42% chán nản và 34% thường xuyên mệt mỏi. Tình trạng sa sút trí tuệ ở NCT là một vấn đề khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NCT. Những chỉ số sức khỏe, những thông tin về tỷ lệ bệnh tật và tình trạng sức khỏe chung nói trên cho thấy sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe của NCT Việt Nam.
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHĂM LO SỨC KHỎE NCT
Về chăm sóc sức khỏe ban đầu, NCT được tuyến y tế cơ sở thực hiện truyền thông, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; được lập hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe; được khám, chữa bệnh phù hợp với phân tuyến kỹ thuật và phối hợp với cơ sở y tế tuyến trên để khám sức khỏe định kỳ cho NCT.
Việc khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế áp dụng ưu tiên cho NCT từ 80 tuổi trở lên như: NCT được bố trí giường nội trú phù hợp, dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT tại các bệnh viện. Sau các đợt điều trị cấp tính, NCT được phục hồi sức khỏe và hướng dẫn tiếp tục theo dõi điều trị, chăm sóc sức khỏe tại gia đình. Các chính sách chăm sóc sức khỏe NCT cũng được Nhà nước triển khai như: Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; các Chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm phổ biến giai đoạn 2012 - 2015; Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025; Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2018 - 2025. Với đề án này, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe NCT thời gian qua được thực hiện tốt hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT.
Với kinh phí giai đoạn 2018 - 2020 gần 28 tỷ đồng, Đề án đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc sức khỏe NCT trong tỉnh. Trong đó, đã tập trung truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT; truyền thông vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc, tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình “già hóa dân số” đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy NCT, nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “dân số già hóa”, xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tiền Giang tiếp tục thực hiện Chương trình “Chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”. Tiếp tục duy trì hoạt động 170 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của NCT. Toàn tỉnh có 4.110 NCT neo đơn được trên 870 tình nguyện viên thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc cũng như hỗ trợ vật chất. Từ đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão); cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, không xem tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT.
THỦY HÀ