Huyện Tân Phước: Các tổ chức đoàn thể - "Cánh tay đắc lực" trong công tác giảm nghèo
Tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, trong những năm qua huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này. Trong đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với các tổ chức đoàn thể, cũng như phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
PHỐI HỢP CHẶT CHẼ
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, Phòng LĐ-TB&XH huyện cùng các tổ chức đoàn thể và các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau, cũng như phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng” của Hội LHPN xã Tân Hòa Thành đã giúp nhiều phụ nữ có thu nhập ổn định. |
Đồng thời, tích cực vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tạo sự đồng thuận, thống nhất của các tầng lớp nhân dân trong quá trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo tại cơ sở.
Bên cạnh đó, một trong những công tác góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo là sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng LĐ-TB&XH huyện với các tổ chức đoàn thể, triển khai tuyên truyền nhiều chương trình, hoạt động giảm nghèo hiệu quả. Các đơn vị cũng phối hợp tốt trong việc rà soát hộ nghèo, bảo đảm tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân.
Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nguyễn Tuấn Hải cho biết: “Phòng LĐ-TB&XH huyện luôn ưu tiên thực hiện các giải pháp mang tính bền vững, khuyến khích tinh thần, ý chí tự vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo của các hộ nghèo. Theo đó, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Đặc biệt, biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững của huyện”. |
Trong đó, cán bộ lao động ở khu dân cư thực hiện tốt công tác rà soát, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh của người dân ở địa bàn, những hộ nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Chung tay thực hiện công tác giảm nghèo, Đoàn Thanh niên huyện Tân Phước đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) và người lao động”.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp trong huyện tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐV-TN, hỗ trợ các mô hình kinh tế trong ĐV-TN, giúp đỡ hộ thanh niên thoát nghèo. Trong đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức Đoàn chú trọng.
CCB Mai Văn Bảy với mô hình trồng khóm. |
Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Phước Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng: Từ đó, Đoàn Thanh niên các cấp trong huyện đã có nhiều cách làm hiệu quả được cấp ủy đánh giá cao và xã hội ghi nhận. Huyện đoàn Tân Phước còn có mô hình Câu lạc bộ “Trang trại trẻ huyện Tân Phước” với hoạt động chủ lực là hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế thông qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt…
Qua các hoạt động, Huyện đoàn đã hỗ trợ được 11 ĐV-TN thoát nghèo. Ngoài việc chú trọng hỗ trợ cho ĐV-TN có việc làm để tăng thu nhập, tổ chức Đoàn còn quan tâm, giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo với mục đích sẻ chia và tiếp thêm động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất để tăng thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống thì Đoàn Thanh niên còn đẩy mạnh việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY
Từ sự phối hợp giữa Phòng LĐ-TB&XH với các tổ chức đoàn thể huyện đã có nhiều mô hình hay được triển khai nhân rộng và đạt kết quả đáng khích lệ. Điển hình như các phong trào: “Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, hỗ trợ các hộ nông dân về liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Đoàn Thanh niên; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh (CCB); cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…
Qua đó, nhân dân ở các địa phương giúp nhau sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội CCB xã Tân Lập 2 Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Ngoài hỗ trợ kinh phí, Hội CCB xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của CCB trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Cụ thể, từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển kinh tế, CCB Mai Văn Bảy, ngụ ấp Tân Vinh đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng khóm, ông còn mua thêm bò để nuôi và tận dụng đất xung xanh nhà trồng thêm dừa, mít để tăng thêm thu nhập cho gia đình”. CCB Mai Văn Bảy chia sẻ: “Vừa qua, cũng nhờ khóm có giá mà gia đình đã xây dựng căn nhà tương đối khang trang. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo đất trồng khóm để đạt năng suất cao.
Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Ngoài ra, vợ anh còn tận dụng thời gian rảnh rỗi đan bàng để có thêm thu nhập.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện cũng có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: Trồng khóm, trồng chanh, chăn nuôi bò, đan bàng, sản xuất kẹo khóm…. Đến thăm mô hình “Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng” của Hội LHPN xã Tân Hòa Thành mới thấy hết được tinh thần, ý chí vượt khó, khởi nghiệp của chị em phụ nữ. Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: Xã hiện có 4 “Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng” và 1 mô hình “Sinh kế phụ nữ đan sản phẩm từ bàng” với gần 200 hội viên, phụ nữ tham gia.
Thành viên trong các tổ chủ yếu là chị em phụ nữ lớn tuổi, không có điều kiện làm tại các khu công nghiệp. Đan các sản phẩm từ bàng giúp chị em phụ nữ vừa tận dụng thời gian chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập ổn định. Cô Dương Thị Diệu (54 tuổi) chia sẻ: “Bản thân tôi không có việc làm ổn định nên chỉ ở nhà phụ lo cơm nước và đưa rước con đi học. Từ khi tham gia đan bàng gia công, tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, rất phù hợp đối với phụ nữ ở nông thôn”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nguyễn Thị Loan cho biết: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được Hội LHPN huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên, xuyên suốt trong quá trình công tác. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình mới, thiết thực, sát với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các chị em hội viên, phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ huyện đặc biệt chú trọng đến hoạt động hỗ trợ vốn cho các hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã duy trì và thực hiện tốt việc khai thác, quản lý nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ hai nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, đã giúp 4.000 hội viên, phụ nữ có nhu cầu vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả với tỷ lệ hoàn vốn trên 99%.
Hằng năm, các cấp Hội có kế hoạch hỗ trợ giúp 1.992 lượt phụ nữ nghèo, qua đó có 273 phụ nữ thoát nghèo và 494/150 phụ nữ cận nghèo thoát nghèo; giúp 704 lượt phụ nữ chủ hộ nghèo, qua đó có 442 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,74% (đầu năm 2021) xuống còn 1,59 % (cuối năm 2023).
Bằng những việc làm, mô hình thiết thực và ý nghĩa, các đoàn thể trên địa bàn huyện Tân Phước đã đóng góp thiết thực cho hoạt động giảm nghèo, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
PHƯƠNG MAI