Thứ Bảy, 06/07/2024, 09:57 (GMT+7)
.
KHƠI GỢI TINH THẦN LAO ĐỘNG SÁNG TẠO

Bài 1: Yêu nghề và khát vọng cống hiến

Bằng nhiệt huyết và niềm đam mê sáng tạo, đông đảo công đoàn viên, người lao động tỉnh Tiền Giang đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, đề tài mới, áp dụng thành công trong sản xuất. Từ đó, góp phần làm giàu tri thức, kỹ năng cho bản thân và mang lại giá trị lớn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tạo nên các phong trào sôi nổi, mang lại ý nghĩa to lớn cho hoạt động của các cấp Công đoàn tỉnh Tiền Giang.

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Công đoàn đã khơi gợi, phát huy tình yêu với nghề và khát vọng cống hiến đối với mỗi công đoàn viên. Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình trong lao động, sáng tạo được tuyên dương, lan tỏa.

ĐAM MÊ SÁNG TẠO

Thực tiễn sản xuất là môi trường lớn để mỗi người lao động thể hiện được khát vọng của mình. Anh Phạm Minh Trung, Trưởng bộ phận cải tiến sản xuất, công đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) là một trong những điển hình như thế. Anh Trung gắn bó với công ty được 8 năm, với nhiệm vụ là quản lý hoạt động Phòng Cải tiến sản xuất, thúc đẩy các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp.

Anh Phạm Minh Trung, Trưởng bộ phận cải tiến sản xuất, đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam dang huong dan dong nghiep trong công việc.
Anh Phạm Minh Trung, Trưởng bộ phận cải tiến sản xuất, đoàn viên CĐCS Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam hướng dẫn đồng nghiệp trong công việc.

Khi làm việc anh Trung luôn đặt cái tâm của mình vào công việc, có tinh thần đam mê nghề nghiệp, cùng với tính kiên trì, trách nhiệm. Mỗi sáng kiến thành công là động lực để anh tiếp tục nghiên cứu thêm những sáng kiến mới.

Đối với anh Trung, niềm đam mê sáng tạo chưa bao giờ ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, anh Trung còn luôn hưởng ứng các phong trào do Công đoàn phát động. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, anh đã tích cực tham gia các chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó phát triển”, “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Với vai trò là công đoàn viên, đồng thời là Trưởng bộ phận Cải tiến sản xuất trong những năm qua, anh Trung đã tích cực tham gia và vận động đồng nghiệp trong bộ phận hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Trong 3 năm qua, anh đã đề xuất 3 sáng kiến với tổng số tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể như: Sáng kiến “Cải tiến loại bỏ công đoạn đánh dấu định vị trên hình thể giày Breaknet”; “Cải tiến đường chỉ may của lưỡi giày trong trên hình thể Stan Smith của nhãn hàng Adidas”; “Cải tiến loại bỏ công đoạn phun keo dán moot và phun keo dán cản bào với cổ giày ở hình thể giày Samba của nhãn hàng Adidas”. Các sáng kiến, cải tiến đã rút ngắn công đoạn may, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thời gian làm việc của công nhân, giúp công ty tiết kiệm chi phí.

Nhận thức được việc thực hiện cải tiến không thể tiến hành một cách riêng lẻ nên anh Trung đã tuyên truyền, chia sẻ, vận động người lao động trong bộ phận cũng như toàn công ty tham gia thực hiện cải tiến. Để phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, anh đã không ngừng cải thiện về chính sách, văn hóa cải tiến của công ty như: Thúc đẩy sự tham gia của tất cả người lao động, giảm thời gian đánh giá sáng kiến…

“Để đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, nhất là đối với khu vực ngoài Nhà nước và giúp người lao động không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp trong thời gian tới, cơ quan, ban, ngành cần tạo điều kiện, mở rộng nhiều hơn nữa các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng khu vực ngoài Nhà nước để các doanh nghiệp được học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đào tạo, chia sẻ kỹ năng để nâng cao kinh nghiệm làm việc, tạo tiền đề để người lao động nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp”, anh Trung chia sẻ.

“NGỌN LỬA” TRUYỀN NHIỆT HUYẾT

Với lòng say mê, yêu công việc, cùng với kiến thức được đào tạo khá bài bản trong thời gian học nghề và kinh nghiệm thực tế, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng bộ phận khai thác rập mặt giày, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam được anh em công nhân, lao động nhận xét là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, lao động giỏi cho các đồng nghiệp cùng phấn đấu, vươn lên, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Làm việc tại công ty chỉ mới hơn 3 năm nhưng chị Hằng luôn tích cực tham gia phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, do CĐCS và Công đoàn cấp trên phát động. Ngoài ra, chị Hằng còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do CĐCS tổ chức, các hoạt động quyên góp hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, chị đề xuất nhiều đề tài, cải tiến giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, góp phần vào việc gia tăng năng suất lao động.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng bộ phận khai thác rập mặt giày, Công ty TNHH  Giày Apache Việt Nam (ngồi giữa) cùng đồng nghiệp đang làm việc tại công ty.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng bộ phận khai thác rập mặt giày, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (ngồi giữa) cùng đồng nghiệp đang làm việc tại công ty.

Chị Hằng luôn vượt qua khó khăn trong công việc. Nhờ bám sát sản xuất, đam mê nghiên cứu, chị đã có 2 sáng kiến, cải tiến áp dụng hiệu quả được công ty công nhận. Đó là sáng kiến “Cải tiến loại bỏ lớp liệu dán tăng cường và gửi dán kết gia công ngoài của bộ vị miếng trước của hình thể giày Tensaur Sport”, giúp công ty tiết kiệm mỗi năm 282 triệu đồng.

Hay như sáng kiến “Cải tiến gắn phụ kiện CNC đục hoa văn Mickey trên dao chặt cánh để tiết kiệm chi phí gia công ngoài của hình thể Stan Smith J (PG Disney 256)” đã giúp tiết kiệm chi phí gửi đi nhà cung cấp ngoài để đục kỹ thuật số hoa văn Mickey trên cánh giày eo trong và eo ngoài. Kể từ khi hiệu quả được chứng minh, lưu trình SOP sản xuất chính thức đã được cập nhật và thay đổi để áp dụng cho đến hiện tại. Không chỉ dừng lại ở đó, ứng dụng có thể sử dụng rộng rãi cho những hình thể có sử dụng chung vật liệu da nhân tạo như trên, hỗ trợ cải thiện thao tác dễ may mà không ảnh hướng đến phẩm chất. Chi phí giảm sau khi thực hiện cải tiến là 288 triệu đồng/năm.

Chị Hằng chia sẻ: “Đã đi làm, phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Vì vậy, tôi luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Công việc thực tế tại công ty chính là nơi để tôi có thể vừa học vừa phát huy những sáng kiến của mình”. 

NẶNG LÒNG VỚI NGHỀ ĐIỆN

Anh Huỳnh Minh Cảnh, Tổ trưởng Cơ điện, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước), là người con của miền Tây sông nước với những nét tính cách giản dị, chân chất nhưng thông minh, tinh tế. Khi nói về bản thân, anh Cảnh hơi ngần ngại, nhưng khi nhắc đến các sáng kiến, anh lại hào hứng và say sưa, bao nhiêu ngại ngùng dường như tan biến. Anh Cảnh luôn là người truyền cảm hứng cho anh em trong tổ nói riêng và anh em trong bộ phận nói chung.

Phát huy hết khả năng của mình, trong mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề, anh Cảnh luôn tìm cách giải quyết nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Với nhiệm vụ của mình, anh luôn phối hợp chặt chẽ cùng anh em trong tổ bàn bạc, lên kế hoạch làm việc sao cho đạt hiệu quả nhất.

Anh Huỳnh Minh Cảnh, Tổ trưởng Cơ điện, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (người chỉ tay) cùng đồng nghiệp kiểm tra thiết bị tại xưởng.

Số lượng nhân viên trong tổ còn hạn chế, trong khi đó công việc thì rất đa dạng, như: Lắp đặt thiết bị mới, sửa chữa thiết bị, bảo trì thiết bị định kỳ... Trước “hàng tá công việc”, anh Cảnh luôn xác định, phải tăng năng suất làm việc, tăng hiệu quả lao động bằng cách áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đồng thời, anh chủ động tăng ca khi máy chưa được sửa chữa xong, luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Sáng tạo với anh Cảnh trở thành một niềm đam mê. Trước bất cứ vấn đề gì, anh đều động viên anh em suy nghĩ tìm giải pháp và bản thân anh luôn gương mẫu, chủ động tìm kiếm giải pháp mới. Với việc tự ra đề và tự giải những “bài toán” trong thực tiễn làm việc tại hiện trường, anh đã tích lũy được danh sách sáng kiến đáng nể.

Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, anh Cảnh đã có rất nhiều sáng kiến được công nhận. Riêng trong 3 năm gần đây, anh có 4 sáng kiến, như: “Tiết kiệm năng lượng điện cho máy ép ống tròn”; “Tiết kiệm năng lượng điện cho máy kéo liên”; “Cải tiến lò luyện xưởng ống thẳng”; “Tiết kiệm năng lượng điện cho máy nén khí” mang lại giá trị làm lợi không nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại công ty.

Dựa theo chính sách tiết kiệm năng lượng của công ty, anh Cảnh là người đi đầu trong công tác nghiên cứu và cải tiến thiết bị, nhằm giảm năng lượng tiêu hao trên sản phẩm và giảm nhân công trong quá trình vận hành máy. Mặc dù chưa được học qua tiếng Trung Quốc nhưng với ý chí vượt khó vươn lên, anh Cảnh luôn nỗ lực tự tìm hiểu để có thể giao tiếp, trao đổi với các chuyên gia người Trung Quốc, kịp thời học hỏi công nghệ và thiết bị mới, cách sửa chữa, bảo trì thiết bị của công ty đúng cách.

Từ đó nâng cao chất lượng sửa chữa và giảm thời gian sửa chữa xuống mức thấp nhất. Trong quá trình làm việc, anh Cảnh luôn được cấp trên và đồng nghiệp ghi nhận về tinh thần trách nhiệm. Bản thân anh luôn nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp, nắm bắt công việc một cách nhanh nhất. Với ý chí quyết tâm và khả năng sáng tạo, anh Cảnh đã nỗ lực vượt qua rất nhiều thử thách trong cuộc sống và công việc.

***


Dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau nhưng anh Trung, anh Cảnh, chị Hằng đều có điểm chung là tinh thần lao động hăng say, tích cực tìm tòi những giải pháp, để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, khoa học và sáng tạo nhất.

Với nhiệt huyết và niềm đam mê sáng tạo, những người lao động như anh Trung, anh Cảnh, chị Hằng đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo cho công nhân, lao động để trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, góp phần tô thắm thêm nét đẹp của đội ngũ cán bộ, công đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

LÝ OANH

(Còn tiếp)

.
.
.