Lần đầu tiên tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công cao nhất với 35,7%
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Ninh Bình năm 2023. |
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công theo tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; phù hợp với Kết luận số 83-KL/TW ngày 21-6-2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29-6-2024 của Quốc hội về kỳ họp thứ 7 khóa XV vừa qua.
Có thể thấy, với quan điểm, mục tiêu nhất quán, Đảng, Nhà nước luôn đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế, gắn kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng tiếp tục nghiên cứu được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, với 8 nhóm đối tượng chính. Trong đó: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng: 2.770 người. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng: 12.449 người. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng: 6.601 người. Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng, thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: 5.414 người. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động: 487.423 người. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng: 144.613 người. Đại diện thân nhân liệt sĩ: 142.316 người Người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân): 570 nghìn người.
Theo nhandan.vn