Thứ Sáu, 19/07/2024, 09:37 (GMT+7)
.

Nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề xe ôm

Đã qua rồi cái thời “hoàng kim” hơn chục năm về trước, khi nghề xe ôm truyền thống phủ khắp TP. Mỹ Tho, đi đâu ở bến xe, ngã ba, ngã tư đều có người làm nghề xe ôm, mọi người vẫy gọi, cười nói ồn ào cả góc phố mưu sinh. Giờ đây, khi các loại hình xe công nghệ xuất hiện thì xe ôm truyền thống ngày càng thưa thớt khách. Dù vậy, vì gánh nặng mưu sinh, nhiều người vẫn không quản nắng mưa bám trụ với nghề, lo cho cuộc sống gia đình.

Dọc các tuyến đường TP. Mỹ Tho, TP. Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hiện nay, nhất là khu vực bến xe, bệnh viện... không khó để bắt gặp hình ảnh những người chạy xe ôm. Qua tìm hiểu, hầu hết những người chạy xe ôm truyền thống thường có tuổi đời khá lớn và thâm niên tuổi nghề cũng trên chục năm. Ngày làm việc của họ phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Khi mỗi cuốc xe kết thúc, họ lại vội vàng tìm nơi bóng mát, uống vội ngụm nước mang theo để tiết kiệm chi phí. Đến khi trưa mệt đừ, đành gục trên xe máy ngủ tạm, chờ khách gọi để tiếp tục công việc.

Nghề chạy xe ôm truyền thống ngày càng thưa vắng khách.
Nghề chạy xe ôm truyền thống ngày càng thưa vắng khách.

Trái ngược với sự tiện lợi và hiện đại của các ứng dụng gọi xe online, việc sử dụng xe ôm truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay là do mức giá hợp lý và khả năng di chuyển linh hoạt. Tuy nhiên, lái xe ôm truyền thống phải đối mặt với những nguy cơ từ giao thông đông đúc, môi trường làm việc khắc nghiệt, cũng như áp lực từ cuộc sống hiện tại. Có thâm niên trong nghề hơn 10 năm, ông Huỳnh Công Ngọc, xã Long Thuận (TP. Gò Công) trải lòng: “Gia đình đông con, đất sản xuất lại không có nên tôi phải tự kiếm nghề để mưu sinh và chăm lo gia đình. Hằng ngày, tôi ra khu vực ao Trường Đua để đón khách. Thời ấy, phương tiện di chuyển ít, taxi, xe buýt chưa thông dụng nên nhiều người lỡ chuyến, lỡ việc, xa mấy cũng đi xe ôm. Nghề chạy xe ôm vì thế rất đắt khách và đem lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định”.

Nhiều người cho rằng nghề xe ôm là công việc khá đơn giản, dễ kiếm thu nhập, nhưng thực tế, nghề này đòi hỏi người lái xe phải có sức khỏe tốt, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng. Có lúc, người lái xe phải kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận rủi ro đi trên đường và phải đồng hành với mọi đối tượng khách...  Nếu như ở cái thời hàng chục năm trước, nghề chạy xe ôm cho thu nhập khá thì ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, đa phần mọi người đều có xe máy riêng, cộng thêm sự phát triển của các loại hình xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ nên những người hành nghề chạy xe ôm rơi vào cảnh khó khăn, lượng khách vơi dần, “miếng cơm” của những người tài xế xe ôm truyền thống bị thu hẹp.

Đều đặn mỗi ngày, khoảng 7 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Tâm (phường 7, TP. Mỹ Tho) lại bắt đầu đứng đợi khách tại trạm xe buýt trước cổng Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, ông cho biết: “Hơn 20 năm gắn chặt cuộc đời với nghề chạy xe ôm, chưa bao tôi chứng kiến nghề xe ôm vắng khách như hiện nay. Có khi ngồi từ sáng đến tối cũng không có người khách lạ nào. Cũng may là còn có “mối quen” thương tình ủng hộ nên dù thu nhập bấp bênh, nhưng cũng giúp tôi sống qua ngày”.

Nắng, gió, bụi đường đã khiến cho ông Trần Anh Kiệt (TP. Gò Công) - người chạy xe ôm tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Gò Công trở nên rắn rỏi, ông Kiệt cho biết: “Hiện nay, giá xăng tăng cao, lượng khách thưa thớt, nguồn thu nhập bấp bênh nên nhiều người đã bỏ nghề xe ôm để tìm kiếm công việc khác. Những người bám trụ đa phần đã lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc, có một lượng khách quen ổn định để đảm bảo nguồn thu mỗi ngày. Hôm nào đắt khách, tôi cũng kiếm được khoảng vài trăm ngàn đồng, hôm nào trời mưa, ế khách, chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Dưới cái nắng nóng gay gắt ban trưa, ở dưới những tán cây lớn, quán cà phê vỉa hè không khó bắt gặp hình ảnh các tài xế xe ôm ngồi đợi khách. Chạy xe ôm truyền thống khá vất vả, cực nhọc, không chỉ vậy, họ còn phải đối mặt với điều khó khăn nhất hiện nay là dịch vụ xe công nghệ xuất hiện với giá cả cạnh tranh. Những người trẻ bắt kịp xu thế thì chuyển nghề, nhưng những người lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh khách hàng nếu còn bám trụ với nghề trong thời gian tới.

SONG AN

 

.
.
.