Thứ Bảy, 20/07/2024, 11:59 (GMT+7)
.
Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X:

Quản lý đất đai và môi trường tiếp tục được quan tâm

(ABO) Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại đây, đại biểu đã giải trình, chất vấn về các nội dung mà cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong thời gian qua. 
 
Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân và giải pháp việc phần mềm quản lý đất đai (ViLIS) hiện nay chỉ mở cho hoạt động 3 ngày/tuần, gây khó khăn cho việc in giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các Chi nhánh Văn phòng đất đai. 
 
TRIỂN KHAI THUÊ PHẦN MỀM QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
 
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, tỉnh Tiền Giang là 1 trong 30 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước được tham gia Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Dự án VILG) theo Quyết định 930 ngày 30-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án và Quyết định 2139 ngày 20-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. 
 
Qua hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, đến ngày 30-6-2023, Dự án VILG đã kết thúc với kết quả cụ thể như sau: Đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm: Dữ liệu địa chính, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai, giá đất của 11/11 đơn vị cấp huyện và các xã, phường, thị trấn và dữ liệu của tỉnh trong đó có sử dụng phần mềm dữ liệu đất đai VBDLIS, do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cung cấp miễn phí, đến ngày 30-6-2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho địa phương thực hiện thủ tục thuê.
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
 
Phần mềm VBDLIS được hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn đã và đang sử dụng miễn phí để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai như trình tự, thủ tục về đất đai, với 20 trường dữ liệu. Qua đó, giúp hỗ trợ ra quyết định trong quản lý, điều hành công việc, xác định số lượng hồ sơ, xác định vị trí hồ sơ đến từng đơn vị, công chức, viên chức thụ lý.
 
Đồng thời, xử lý nghiệp vụ quản lý biến động đất đai một cách nhanh chóng và chính xác, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, giảm sai sót, quản lý hiệu quả, ngăn chặn hiện tượng sách nhiễu; góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
 
Phần mềm đáp ứng cơ bản đầy đủ chức năng, yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai theo giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo hiệu quả trong chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường và góp phần xây dựng chính quyền số của địa phương, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính với số lượng giao dịch cao nhất là 687 hồ sơ/ngày. 
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, đây là phần mềm chuyên dụng của ngành nên phải thuê đơn vị tư vấn có chuyên môn và phải lấy ý kiến các cơ quan Bộ, nên có chậm. Quy trình thủ tục tổ chức thực hiện kế hoạch thuê cần triển khai thực hiện theo trình tự thủ tục quy định nên mất thời gian. Việc phối hợp các ngành liên quan và đơn vị tư vấn còn hạn chế trong thực hiện từng bước công việc. 
 
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Thông tin Truyền Thông, Sở Tài chính và đơn vị tư vấn khẩn trương thực hiện quy trình phê duyệt và tổ chức đấu thầu theo quy định (hiện có tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành công tác đấu thầu, còn lại 29 tỉnh đang thực hiện).
 
Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công công chức, viên chức chịu trách nhiệm thực hiện từng công đoạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục thuê phần mềm dự kiến ngày 30-9-2024. Giải pháp tạm thời để đảm bảo phần mềm hoạt động được liên tục trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, UBND tỉnh có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc hỗ trợ duy trì hệ thống thông tin đất đai VBDLIS tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn gửi Liên doanh Viettel - Vietbando về việc đề nghị tiếp tục hỗ trợ vận hành và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu đất đai của tỉnh Tiền Giang trên Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS đến ngày 30-9-2024.
 
KHẮC PHỤC Ô NHIỄM DO RÁC THẢI
 
Theo phản ánh của nhiều cử tri, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải (sông ngòi, chợ…) ngày càng đáng báo động. Đại biểu tại Kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp nào trong xử lý môi trường về rác thải trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới. 
 
Giải trình về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, thời gian qua, để triển khai công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành nhiều quy định, văn bản để chỉ đạo điều hành trong công tác quản lý chất thải rắn, bước đầu cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy  định đạt 91%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 96,16%; tỷ lệ chất thải nguy hại từ cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đạt 100% (theo khối lượng tại các bể chứa); tỷ lệ chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom và xử lý đạt 91,34%; tỷ lệ cơ sở y tế thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đạt 100%...
 
Điểm tập kết rác trên Đường huyện 87C (xã Tân Mỹ Chánh).
Điểm tập kết rác trên đường huyện 87C (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).
 
Ngoài ra, theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Bộ chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Tiền Giang xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành trên cả nước. Xếp hạng kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá môi trường năm 2022 do Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, tỉnh Tiền Giang xếp thứ 5/63 tỉnh, thành.
 
Để triển khai công tác bảo vệ môi trường trong các hội đoàn thể, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang triển khai Đề án về chung tay bảo vệ môi trường trong đó, các Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tập trung triển khai các mô hình, như: “Vận động mỗi hộ gia đình không vứt rác bừa bãi, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư, thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng theo Quy định” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; “Vận động các hộ gia đình trồng cây xanh, hoa kiểng góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan môi trường; xây dựng các mô hình cổng nhà, sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp” của Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh… 
 
Công tác mời gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn Tân Lập 1 hiện đăng tải hồ sơ mời thầu dự án trên hệ thống đấu thầu quốc gia (thời điểm đóng thầu là 8 giờ ngày 8-7-2024 và thời gian mở thầu vào lúc 10 giờ ngày 22-8-2024). Đối với việc xử lý các bãi rác hiện hữu, UBND tỉnh cũng đã giao UBND các huyện tổ chức thực hiện để kiểm soát và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, xử lý rác tại các bãi rác hiện hữu tiến tới đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi rác khi các khu xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành.
 
 Ra quân thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Q. TOÀN
Ra quân thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Q. TOÀN
 
Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, đơn vị tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các quy định về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, hạn chế việc vứt, thải, bỏ rác thải trên các tuyến kinh, mương, sông, rạch…
 
Bên cạnh đó, Sở sẽ có cơ chế để tăng cường sự tham gia giám sát thực hiện đối với các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, hướng tới xử lý đối với các hành vi vi phạm về thải rác thải không đúng nơi quy định (như: Vứt, thải, bỏ rác thải trên các tuyến kinh, mương, sông, rạch). 
 
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, sớm đưa dự án đi vào vận hành để giải quyết công tác xử lý chất thải hiện nay trên địa bàn tỉnh.
 
Trong đó, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, TP. Gò Công hướng dẫn việc xử lý cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi rác hiện hữu, tiến tới đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi rác khi các khu xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành.
 
HÀ NAM - CAO THẮNG
 
.
.
.