Tháng bảy và những câu chuyện kể
(ABO) Vào những ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi có dịp gặp những cựu chiến binh (CCB) ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và được nghe những câu chuyện kể của họ khi ở độ tuổi đôi mươi, trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhưng vẫn giữ vững lý tưởng, ý chí chiến đấu kiên trung vì nền hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.
“ĐI LÀ QUYẾT PHẢI ĐÁNH THẮNG”
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, với nhiều Huân chương, Huy chương, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng... được treo ngăn nắp trên tường, ông Phạm Văn Phụ (sinh năm 1949, thương binh hạng 1, tỷ lệ 81%), ngụ tại ấp Tân Hưng, xã Tân Thuận Bình cho biết, ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương năm 1968. Đến nay ở tuổi 75, nhưng trong ông vẫn nguyên vẹn sự mộc mạc của người chiến sĩ cộng sản.
Ông Phụ kể: "Gia đình tôi, tất cả anh em đều đi đánh giặc. Hồi ấy, trong tâm trí tôi luôn có sự quyết tâm với tinh thần "đi là quyết phải đánh thắng, biết cái chết trước mắt nhưng vẫn phải đi", "còn giặc còn chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Lúc đầu, tôi là lực lượng du kích, an ninh của xã Tân Thuận Bình, sau đó đảm nhiệm vị trí công binh thủy - đơn vị biệt lập của huyện Chợ Gạo mai phục địch ở dọc kinh Chợ Gạo. Tôi cùng các đồng đội, đồng chí thực hiện nhiệm vụ bám trụ địa bàn để đánh địch, chống phá căn cứ của địch. Khi ấy, lực lượng du kích của ta đánh bằng lựu đạn được thiết kế theo kiểu “giàn ná” (còn gọi là giàn thun), gài mìn, bao vây đồn bót địch… nhằm ngăn chặn các cuộc càn quét, hành quân của địch vào sâu trong vùng căn cứ cách mạng của ta”.
CCB Phạm Văn Phụ. |
Ông Phụ cho biết thêm: "Ấp Tân Hòa là vùng căn cứ cách mạng của xã Tân Thuận Bình lúc bấy giờ, trong những trận càn của địch, chúng tôi dẫn địch vào “bẫy”, kết hợp phương châm “vừa đánh, vừa rút, vừa gài lựu đạn”, “ốp” trong những bẹ chuối hoặc gắn vào phía sau những tờ truyền đơn cách mạng rồi treo trên thân cây dọc hai bên đường. Quân địch tràn vào thì dính bẫy của chúng tôi, có người chết, người bị thương… gây tổn thất, tiêu hao lực lượng của địch tại địa phương".
Chia sẻ với chúng tôi về các vết thương trên người, ông Phụ cho biết, bản thân ông đã từng 6 lần bị thương, trải qua các thời khắc “thập tử nhất sinh” nhưng ông vẫn không hề nao núng, run sợ. “Có lần tôi bị trúng mìn dẫn tới bị đứt ruột trong những trận càn của địch, lúc đó dụng cụ quân y cứu chữa rất thiếu thốn, đặc biệt là không có thuốc giảm đau khi y sĩ quân y xử lý vết thương, lúc ấy tôi cũng không có cảm giác đau đớn gì, chỉ mong sau là mình còn sống để tiếp tục chiến đấu”, ông Phụ bồi hồi nhớ lại.
Khi đất nước hòa bình, ông Phụ mang trên mình thương tật và ảnh hưởng của chất độc hóa học trong thời gian tham gia cách mạng, có 4/8 người con của ông bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đó là nỗi đau không gì bù đắp được do hậu quả của chiến tranh để lại. Dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng ông Phụ vẫn tiếp tục tham gia công tác qua nhiều chức vụ khác nhau từ Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Bình, Chủ tịch lâm thời Hội CCB xã… với mong muốn “còn sức là còn làm việc” góp sức mình để tiếp tục cống hiến, xây dựng, phát triển địa phương.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe dần yếu đi, ông Phụ vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin thời sự, tình hình của đất nước, của tỉnh và địa phương qua các kênh truyền hình, đài phát thanh. Mỗi khi có cán bộ đến thăm, ông Phụ luôn nhắc nhở các thế hệ sau phải luôn trau dồi, rèn luyện, phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên, tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Ông Phụ là tấm gương sáng để thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước, noi theo.
CHIẾN SĨ NHỎ TUỔI, GAN DẠ, DŨNG CẢM
Giác ngộ cách mạng từ năm 16 tuổi, CCB Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1958, bệnh binh hạng 3, tỷ lệ 51%), ngụ ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, đã xung phong làm mật báo đưa thư cho cán bộ cách mạng; đồng thời, bám sát theo dõi nắm chắc tình hình địch, kịp thời báo cáo cho cấp trên. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng với sự gan dạ, bản lĩnh kiên cường, khi đối mặt với những tình thế nguy hiểm, ông Tâm đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
CCB Nguyễn Văn Tâm bên tấm ảnh kỷ niệm mà ông được chụp khi giải phóng tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) năm 1975. |
Ông Tâm lớn lên trong hoàn cảnh chứng kiến những mất mát, đau thương, từng người thân trong gia đình, dòng họ của ông lần lượt hy sinh do sự tàn bạo, tra tấn dã man của quân đội Mỹ, Ngụy gây nên. Ông Tâm cho biết: “Tháng 4-1974, tôi “trốn nhà” cùng các chú, các bác đi theo cách mạng. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên được cấp trên giao làm nhiệm vụ mật báo tại Thành đội Mỹ Tho. Tôi được tổ chức cấp Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Mặt trận huyện Chợ Gạo và Giấy thông hành (thẻ học sinh) là học sinh lớp 7 Trường Nguyễn Đình Chiểu để thuận tiện cho việc giao liên, đưa thư. Đồng thời, tôi còn được tổ chức phân công gài lựu đạn tiêu diệt các tên trưởng ấp, tên đầu xỏ chống cách mạng... Có lần, trong lúc đang làm nhiệm vụ giao liên, tôi bị địch tình nghi, bắt và đánh. Nhưng tôi rất bình tĩnh, không sợ gì cả, lúc đó tôi mặc đồ học sinh và trình thẻ học sinh, giấy khai sinh cho địch xem xét và cuối cùng địch cho qua chốt kiểm tra”.
Ông Tâm với chiếc đèn dầu được làm từ ống pháo sáng của Mỹ được ông dùng trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng. |
Đến đầu năm 1975, ông Tâm được tổ chức phân công nhiệm vụ trực tiếp cầm súng tại Đại đội 2, Thành đội Mỹ Tho làm nhiệm vụ giải phóng tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Dẫu tuổi còn trẻ, phải trải qua những tháng năm chiến đấu ác liệt, cận kề với cái chết, nhưng lúc nào ông Tâm cũng giữ vững lý tưởng, ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trở về với cuộc sống thời bình, ông Tâm không chỉ siêng năng, cần cù, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, mà còn tích cực cống hiến, tham gia các phong trào, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thuận Bình Nguyễn Tấn Thảo cho biết: “Hội viên CCB Nguyễn Văn Tâm là một trong những hội viên tiêu biểu của xã. Ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu trong nếp sống, tích cực tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới, văn minh tại địa phương”.
LÊ NGUYÊN
.