Thứ Hai, 15/07/2024, 10:18 (GMT+7)
.

Tiền Giang: "Mẹ đỡ đầu"cùng con viết tiếp ước mơ

Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, cán bộ, hội viên phụ nữ và các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thực hiện hiệu quả Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ giúp đỡ về vật chất, mà các cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia chương trình tại Tiền Giang còn là người bạn đồng hành cùng các em trên bước đường vượt khó. Những người mẹ, người cha “đỡ đầu” trong chương trình đã lan tỏa thông điệp yêu thương và sẻ chia trong cuộc sống.

NGÀY CON CÓ THÊM MẸ

Em Ngô Thành Vinh (15 tuổi, ở phường 2, TX. Cai Lậy) có cha không may qua đời do đột quỵ. Hiện em sống với mẹ, chị gái đang học đại học và em trai học mẫu giáo. Gia đình em Vinh thuộc hộ cận nghèo. Cuộc sống gia đình em càng khó khăn hơn từ khi cha qua đời, một mình mẹ em phải tần tảo buôn bán ngoài chợ, với số tiền ít ỏi kiếm được, không thể lo nổi cho cả nhà 4 miệng ăn, lại thêm chuyện học hành của các con.

Tuyên dương những cặp mẹ con, cha con “đỡ đầu” tiêu biểu tại Ngày hội “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”.
Tuyên dương những cặp mẹ con, cha con “đỡ đầu” tiêu biểu tại Ngày hội “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Vinh, ngay từ đầu năm 2022 đến nay, chị Nguyễn Ngọc Trúc Ly (ngụ phường 2, TX. Cai Lậy) đã nhận “đỡ đầu” em Vinh đến 18 tuổi. Thời gian qua, bằng tình yêu thương và hỗ trợ từ chị Ly, em Vinh đã có thêm động lực để tiếp tục cắp sách đến trường.

Nói về người mẹ “đỡ đầu” của mình, em Vinh chia sẻ: “Em cảm thấy rất may mắn vì có thêm người mẹ thứ hai hỗ trợ chăm sóc, mẹ không chỉ hỗ trợ về vật chất, mà còn thường xuyên động viên tinh thần cho em cố gắng học tập thật tốt, không nản lòng lùi bước trước hoàn cảnh khó khăn”.

Không chỉ có chị Ly mà hằng quý từ 3 triệu đồng tiết kiệm của cán bộ, công chức, công đoàn viên, Công đoàn cơ sở Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã nhận đỡ đầu 2 em Lương Ngọc Gia Mẫn (sinh năm 2018) và Lê Ngọc Thảo (sinh năm 2021), ở phường 2, TP. Mỹ Tho, đều mồ côi cha do dịch bệnh Covid-19, hoàn cảnh gia đình các em rất khó khăn.

Những người “Mẹ đỡ đầu” của em Mẫn và Thảo là cán bộ Hội LHPN tỉnh thường xuyên ghé thăm, chăm lo, trao tặng cho các em nhiều phần quà thiết thực… nhằm san sẻ bớt khó khăn và cùng gia đình nuôi dạy các em nên người.

Còn trường hợp của em Phạm Ngọc Thùy Linh (sinh năm 2013, ở phường 1, TP. Gò Công) thì cha bệnh qua đời, mẹ bỏ đi từ lúc em chưa 1 tuổi. Hiện em đang sống với bà nội, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thiếu vắng sự chăm sóc, vỗ về của cha mẹ, nên lần nào em Linh thấy “Mẹ đỡ đầu” là chị Đỗ Thị Kim Chi đến thăm cũng đều quấn lấy chị trong niềm vui ấm áp...

“Em đã có thêm mẹ, dù không phải là mẹ ruột nhưng mẹ nhận “đỡ đầu” cho em đến 18 tuổi. Khi có thêm mẹ cuộc sống của bà cháu em đã vơi bớt đi phần nào khó khăn, tạo cho em có niềm vui, động lực trong cuộc sống, cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng của bà nội, của “Mẹ đỡ đầu” và các cô Hội LHPN, nhà hảo tâm đã luôn quan tâm, chăm lo giúp đỡ cho em”, em Linh bày tỏ.

ẤM ÁP TÌNH MẸ, TÌNH CHA “ĐỠ ĐẦU”

Trong những ngôi nhà tưởng chừng sẽ thiếu hơi ấm tình thương cha, mẹ của những trẻ mồ côi, thì các em lại được sưởi ấm bởi sự quan tâm, chăm lo của những người cha, người mẹ “đỡ đầu”. Thêm một người mẹ, người cha thì những trẻ mồ côi sẽ có thêm người thân yêu làm điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng ân cần thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng ân cần thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.

Dù không thể lấp đầy sự thiếu vắng cha mẹ ruột nhưng vòng tay ấm áp của những người cha, người mẹ “đỡ đầu” sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau, sưởi ấm trái tim non nớt của những đứa trẻ mồ côi trên đường đời… Những người cha, người mẹ “đỡ đầu” sẽ giúp tương lai phía trước của các em bớt đi những nhọc nhằn bằng tất cả tấm lòng và sự yêu thương.

Đến thăm nhà em Nguyễn Bảo Châu (16 tuổi, ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho), hoàn cảnh em rất đáng thương, cha bỏ đi từ nhỏ, khi em 6 tuổi thì mẹ cũng không may bị bệnh qua đời. Châu được bà Trần Thị Lệ Thủy (66 tuổi, là em ruột của bà ngoại Châu) nhận nuôi, chăm sóc.

Biết hoàn cảnh của bà cháu Châu, cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Đạo Thạnh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ hai bà cháu trong cuộc sống hằng ngày. Vui mừng hơn, khi vừa qua, cô Đặng Tuyết Nga (ngụ xã Đạo Thạnh) đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho Châu.

Hay khi nhìn thấy cử chỉ ân cần của chị Phạm Thị Cẩm Trang (hiện đang công tác tại Công an tỉnh Tiền Giang) dẫn em Phạm Phương Anh (sinh năm 2011, hiện đang sinh sống cùng ông, bà ngoại ở phường 2, TP. Mỹ Tho) đi nhà sách mua dụng cụ học tập cho năm học mới, thì không ai có thể nghĩ rằng Phương Anh chỉ là đứa con mà chị nhận “đỡ đầu”.

Chị Trang cho biết: “Phương Anh là đứa trẻ mồ côi mẹ do Covid-19, hiện con đang được ông, bà ngoại cưu mang nhưng ông bà đều lớn tuổi, thường xuyên đau bệnh, không có việc làm ổn định nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại mất đi người thân là nỗi đau, sự thiệt thòi, bất hạnh không gì có thể bù đắp được đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Vì thế, khi được các cấp Hội LHPN của tỉnh kết nối, tôi đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho Phương Anh và cố gắng bù đắp nhiều nhất có thể, để con có điểm tựa trong cuộc sống, vững bước hơn trong tương lai”. 

Vận dụng sáng tạo Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Tiền Giang đã có thêm những người “Cha đỡ đầu” nâng bước trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như anh Nguyễn Thành Sang (sinh năm 1990), hiện là Trưởng Công an xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Được sự kết nối của Hội LHPN xã Bình Tân, đến nay anh Sang đã nhận “đỡ đầu” đến 8 trẻ mồ côi do nhiều nguyên nhân trên địa bàn xã. Hằng quý, anh Sang cùng với Hội LHPN xã đến gặp gỡ, thăm hỏi và trao kinh phí “đỡ đầu” cho các em.

Anh Sang cho biết, trong các con nhận “đỡ đầu”, thì trường hợp của em Lê Ngọc Thúy (sinh năm 2009, ở ấp Lợi An) có hoàn cảnh rất khó khăn. Cha Thúy làm công nhân, nhưng đã mất do tai nạn lao động (điện giật); hiện em đang sống với mẹ, bà nội lớn tuổi cùng 4 đứa em.

Hằng ngày, một mình mẹ em phải vất vả làm việc để kiếm tiền chăm lo cho cả gia đình, nên cuộc sống cũng như chuyện học tập của chị em Thúy gặp rất nhiều khó khăn. Và sự “đỡ đầu” kịp thời của “cha Sang” như tiếp thêm động lực cho Thúy và những đứa con của mình vững bước trên con đường học tập, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

1.209 TRẺ ĐÃ ĐƯỢC NHẬN “ĐỠ ĐẦU”

Nhận thức được ý nghĩa nhân văn từ Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và tích cực vào cuộc, nên ngay từ khi chương trình được phát động, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tiến hành khảo sát, rà soát các trường hợp trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng, triển khai những hoạt động hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng trường hợp.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phước Nguyễn Thị Loan cho biết, triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19, các cấp Hội huyện đã rà soát nắm số trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 và mồ côi do nguyên nhân khác trên địa bàn huyện để có giải pháp, định hướng hỗ trợ, giúp đỡ. Hiện toàn huyện có 186 trẻ mồ côi.

Đến nay, Hội LHPN huyện và cơ sở đã nhận “đỡ đầu” và vận động mạnh thường quân “đỡ đầu” 95 trẻ mồ côi, với số tiền từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/quý.

Ngoài Hội LHPN huyện Tân Phước còn rất nhiều đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, như: Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Hội LHPN TP. Mỹ Tho và một số huyện, thị… Chương trình đã giúp nhiều trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa mạnh mẽ, vượt qua khó khăn, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Với phương châm “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, toàn tỉnh đã có 1.209 trẻ đã được nhận “đỡ đầu” (160 trẻ mồ côi do Covid-19 và 1.049 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác), với số tiền gần 5,2 tỷ đồng (tiền mặt 3,7 tỷ đồng; quà, quần áo, sách vở, bánh kẹo, dụng cụ học tập trị giá 1,5 tỷ đồng).

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với ý nghĩa nhân văn, vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để trẻ mồ côi, và những trẻ có hoàn cảnh khó khăn mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Hội LHPN tỉnh đã triển khai chương trình đến 100% cơ sở Hội tham gia hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Bằng tình yêu thương, chương trình đã trở thành cầu nối, điểm tựa giúp các em có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

“Mẹ đỡ đầu” không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất cho trẻ mồ côi, mà còn giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và động viên để nâng bước các em đến gần với ước mơ hơn khi thiếu vắng tình thương của cha mẹ.

Việc hỗ trợ thực hiện định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý trong thời gian từ 1 năm đến 5 năm, số tiền hỗ trợ từ 500 ngàn đồng/tháng đến 2 triệu đồng/tháng. Trong năm 2024, có 569 trẻ mồ côi tiếp tục được nhận “đỡ đầu”, trong đó nhận “đỡ đầu” trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi là 168 trẻ (Hội LHPN tỉnh nhận 3 trẻ; huyện, thành, thị, đơn vị trực thuộc nhận 45 trẻ và các Hội cơ sở nhận 120 trẻ).

Đồng thời, kết nối, tìm cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn người “Mẹ đỡ đầu” chăm sóc về mặt tinh thần, sức khỏe… nâng đỡ các em ngay tại cộng đồng.

Không chỉ nhận làm “Mẹ đỡ đầu” chăm lo, hỗ trợ các em, các cấp Hội LHPN trong tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng tới trẻ mồ côi. Theo đó, các cấp Hội đã kết nối, liên hệ với các trường học đề nghị giảm học phí, tạo điều kiện để các em học tập tốt; tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí hằng tháng, các “Mẹ đỡ đầu” còn tổ chức những buổi hoạt động dã ngoại cho các em. Những người cha, người mẹ trong Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp các con là trẻ mồ côi có thêm tình thương và mái ấm mới.

Cha hay mẹ ruột của các trẻ mồ côi dù không còn nữa nhưng chắc chắn tình yêu và những mong mỏi, hy vọng của những người cha, người mẹ “đỡ đầu” sẽ được các em nâng niu, trân trọng. Đó sẽ là hành trang lớn nhất, giúp các em mạnh mẽ, kiên cường hơn, để bước tiếp trên đường đời và vươn lên trong cuộc sống.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.