Chủ Nhật, 04/08/2024, 14:54 (GMT+7)
.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Trong những ngày qua, tại nhiều tỉnh, thành phố xảy ra mưa lớn trên diện rộng, khiến tình trạng sạt lở xuất hiện gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vấn đề cảnh báo và chủ động ứng phó trong cao điểm mùa mưa bão một lần nữa lại được đặt ra.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Sơn La tiếp cận các khu vực ngập sâu để hỗ trợ người dân trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ảnh: CAO THIÊN
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Sơn La tiếp cận các khu vực ngập sâu để hỗ trợ người dân trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ảnh: CAO THIÊN

Mưa lũ nghiêm trọng

Đánh giá về tình hình khí tượng thủy văn và thời tiết cực đoan trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định: Đây đang là cao điểm mùa mưa bão, lũ lụt ở khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong tháng 7, 8, 9 rất cao. Sang tháng 9, 10, 11, mưa sẽ chuyển sang khu vực Trung Bộ. "Chúng tôi lưu ý giai đoạn này cũng là thời điểm La Nina bắt đầu hoạt động. Với tác động của hiện tượng La Nina trùng với mùa mưa khu vực Trung Bộ, có khả năng xảy ra những đợt mưa đặc biệt lớn, nguy cơ xảy ra những hiện tượng thiên tai kèm theo như lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ giai đoạn cuối năm nay ở mức cao đến rất cao", ông Hưởng cho hay.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo: Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024 có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và tập trung vào nửa cuối mùa bão. Riêng khu vực miền trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so trung bình nhiều năm. Vì El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Điểm cần chú ý của mùa bão năm nay là việc xuất hiện nhiều cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện ngay trên Biển Đông, bão sẽ diễn biến nhanh và rất khó lường.

Nâng cao năng lực phòng tránh

Trao đổi với báo chí, GS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam nhận định, những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực, những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự sạt lở hay lũ được hình thành.

Trong khi đó, theo chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong các loại hình thiên tai, có những loại có thể theo dõi được quá trình diễn biến, như áp thấp nhiệt đới, bão đang được cảnh báo, dự báo trước ba đến năm ngày. Hay lũ trên các sông lớn như sông Cửu Long có thể dự báo trước năm đến mười ngày, cảnh báo trước 15 ngày hoặc dài hơn,… Tuy nhiên, có những loại hình thiên tai diễn ra trong quy mô rất hẹp, không nhìn thấy được quá trình diễn biến như lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét,... Hiện nay, việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhà dân, thôn bản để giảm các thiệt hại về người và tài sản vẫn luôn là thách thức không chỉ của riêng Việt Nam mà ngay cả với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ,... Với công nghệ hiện nay, thế giới cũng chỉ có khả năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong một khu vực nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định.

Chính vì vậy, theo GS Tạ Hòa Phương, cảnh báo đến người dân đang sinh sống hoặc đi qua các vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Lực lượng chức năng cần kết hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Để an toàn khi sống tại những vùng thường xuyên có thiên tai, theo GS Phương, rất cần một hệ thống phân tích được các nguy cơ, rủi ro trên cơ sở lập bản đồ thiên tai, quy hoạch vùng nguy hiểm. Từ đó đưa bản đồ này xuống từng địa phương để có thể kịp thời cảnh báo người dân. Thậm chí cần phải có những biện pháp cưỡng chế bắt buộc, di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Kèm theo đó là có những chính sách an sinh phù hợp để những người dân an cư tại nơi ở mới.

Sau cơn bão số 2 đi qua, hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn gây ngập úng ở Hà Nội, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi tại Tây Bắc và vùng núi Bắc Bộ như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình... Đợt mưa lũ, từ ngày 27 - 30/7, tại các tỉnh khu vực miền núi phía bắc (như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang) đã ghi nhận 7 người chết, mất tích. Và ngày 29/7 tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn còn 24 thôn xóm bị ngập do mưa lũ. Thành phố Hà Nội yêu cầu di dời hơn 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) ra khỏi những ngôi nhà bị ngập.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng cường khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông không nên đi vào ban đêm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Nếu các cơ quan chức năng thấy tình hình giao thông, bờ kè, thiên tai,... không an toàn thì thực hiện lệnh cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm này, đặc biệt là ban đêm. Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống,...

Ngoài ra, hiện nay tài khoản Zalo chính thức - Zalo Official Account (Zalo OA) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai liên tục cập nhật các thông tin về thiên tai, các hiện tượng thời tiết bất thường tại các địa phương, đồng thời khuyến cáo và hướng dẫn người dân cách thức ứng phó với mưa lớn, bão lũ,... Người dân cần thiết cài đặt ứng dụng trang Zalo OA này để kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến các cấp độ mưa lũ tại địa phương, chủ động phòng tránh để bảo vệ bản thân, gia đình và của cải.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.