Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang: Phát huy vai trò "cầu nối" trong công tác giảm nghèo
Xác định tầm quan trọng của tín dụng chính sách (TDCS) trong công tác giảm nghèo và hỗ trợ đối tượng chính sách, 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền GIang đã tích cực phát huy vai trò “cầu nối” cho hội viên, nông dân và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 40 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội” của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI (gọi tắt là Chỉ thị 40), những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và chính quyền địa phương cùng cấp tổ chức thực hiện tốt những nội dung, công việc đã ký kết trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, đã có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư khóa XI. |
Chú trọng đẩy mạnh mở rộng tín dụng, nâng cao dư nợ và chất lượng TDCS, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị 40, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của NHCSXH đến cán bộ, hội viên, nông dân và Tổ TK&VV là một nội dung quan trọng để cán bộ, hội viên và người nông dân hiểu, nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong thay đổi tư duy phát triển kinh tế.
Để thực hiện Chỉ thị 40 đi vào nền nếp, đạt hiệu quả, công tác kiện toàn lãnh đạo đại diện Hội Nông dân các cấp tham gia Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện và Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, Tổ trưởng Tổ TK&VV luôn được củng cố toàn diện.
Cùng với đó, hằng năm, các cấp Hội trực tiếp tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát về hoạt động ủy thác ở các địa phương... Các cấp Hội luôn chú trọng công tác tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội, nhất là cán bộ phụ trách nhiệm vụ ủy thác, các Tổ trưởng Tổ TK&VV hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, xem hoạt động tín dụng ủy thác là một trong những giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Nhằm giúp hội viên, nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, các cấp Hội tích cực tập huấn, hướng dẫn quản lý sử dụng vốn vay cho 750 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp, Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề cho trên 957.000 lượt hội viên, nông dân, nhằm giúp các hộ nông dân vay vốn biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn khẳng định, phương thức ủy thác quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, dư nợ các chương trình TDCS ủy thác qua tổ chức Hội đạt trên 1.844 tỷ đồng (tăng trên 982 tỷ đồng so với cuối năm 2014), thông qua 1.145 Tổ TK&VV với 47.624 lượt hội viên tham gia vay vốn. |
Các chương trình TDCS làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng khoa học công nghệ; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gần với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Đến nay, Hội đã thành lập 17 hợp tác xã, 310 tổ hợp tác nông nghiệp với 50.141 tổ viên. Các cấp Hội phối hợp bán trả chậm 42.528 tấn phân bón hữu cơ, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật các loại… cho hội viên, nông dân, ước trị giá trên 10,7 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho biết, các cấp Hội Nông dân cần làm tốt công tác tuyên truyền để phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên, nông dân nhất là những người thuộc diện được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi; phải phân công, bố trí cán bộ làm công tác ủy thác có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện ủy thác ở các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở.
Coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và cán bộ Tổ TK&VV. Ban Thường vụ Hội các cấp, nhất là cấp xã cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và NHCSXH trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm để tiếp nhận được nguồn vốn ủy thác, gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của Hội cấp trên đối với Hội cấp dưới và các Tổ TK&VV, Ban Thường vụ Hội các cấp cần tiếp tục quan tâm, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành hoàn thiện các chính sách để tạo lập và phát triển nguồn vốn ổn định, bền vững cho NHCSXH giúp nông dân vay vốn với số lượng, mức vay lớn hơn, thời gian dài hơn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao công tác tuyên truyền TDCS, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... với TDCS xã hội; bồi dưỡng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn có hiệu quả.
LÊ MINH - T.H