Huyện Cai Lậy: Tăng cường tuyên truyền trong triển khai thực hiện Đề án 06
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Công an và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Cai Lậy đã và đang thực hiện theo đúng tiến độ đề ra trên cả 5 nhóm tiện ích.
Người dân đến thực hiện đăng ký Căn cước tại Công an huyện Cai Lậy. |
Đối với Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực y tế, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại huyện Cai Lậy đã tiếp nhận tra cứu khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân, trên ứng dụng Bảo hiểm số - VssID; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thanh toán bằng hình thức quét mã QR code.
Các phần mềm của bảo hiểm xã hội (BHXH) có liên kết dữ liệu liên thông với nhau, tạo sự thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ tại ngành BHXH trong giải quyết thủ tục hành chính và liên kết dữ liệu công dân. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt được 677/858 đối tượng (đạt 78,9%).
Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cai Lậy tiếp tục triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, cụ thể lĩnh vực chính sách người có công đã chi trả qua tài khoản cá nhân (ATM) 721 người, tổng số tiền 1,694 tỷ đồng; lĩnh vực an sinh xã hội đã chi trả qua thẻ ATM là 2.107 người, tổng số tiền 1,067 tỷ đồng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cai Lậy đã triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với người dùng trên Internet, thiết bị di dộng, đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng.
Đối với Nhóm tiện ích hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Công an huyện Cai Lậy tiếp tục chỉ đạo Công an cơ sở tổ chức triển khai, giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, trong đó một số chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư đạt 100% như: Rà soát, đối khớp xác minh thông tin phạm nhân, cập nhật hộ không có chủ hộ, hộ nhiều hơn một chủ hộ; cập nhật Chứng minh nhân dân 9 số, thiếu trường thông tin, sai lệch thông tin giữa dân cư với Căn cước công dân, công dân sai cấu trúc số định danh… bảo đảm công tác rà soát, làm sạch dữ liệu; bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cấp số định danh cá nhân và được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong độ tuổi.
Đồng thời, ngành Công an phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn - hội trên địa bàn rà soát và cập nhật thông tin các đoàn - hội lên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với Nhóm tiện ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an cơ sở đã thống kê, phối hợp và cung cấp số liệu, thông tin cơ bản về nhân khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn khi có yêu cầu của UBND các cấp và các cơ quan Nhà nước để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Qua thống kê hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an cơ sở kịp thời cung cấp số nhân khẩu thường trú, tạm trú…
Bên cạnh đó, kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu đạt được nhiều kết quả khả quan, 100% cán bộ, công chức khối Nhà nước cấp huyện, xã đều được trang bị máy tính; 100% cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có mạng nội bộ (LAN) và có kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh, với tỷ lệ 100% máy tính được kết nối mạng Internet.
Cùng với hạ tầng khác như wifi miễn phí tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, xã, tại các điểm du lịch… đều được triển khai. Cùng với đó, UBND huyện và 16/16 xã, thị trấn đã được đầu tư hệ thống thiết bị họp trực tuyến, bảo đảm tham gia và tổ chức tốt các cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến địa phương. Kết quả thực hiện 11 dịch vụ công của ngành Công an, 14 dịch vụ công của cơ quan, ban, ngành huyện Cai lậy đều đạt tỷ lệ 100%.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an huyện Cai Lậy chủ động tham mưu, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án 06 của huyện, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Theo đó, huyện đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về thực hiện Đề án 06 trên hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện, xã; qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Zalo, Facebook…); thông qua các cuộc họp dân, họp ấp, công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính…
Nội dung tuyên truyền tập trung về lợi ích của việc sử dụng thẻ Căn cước công dân, định danh điện tử VNeID, nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, Luật Cư trú, Luật Căn cước, các thông tư, văn bản có liên quan Đề án 06…
Trung tá Nguyễn Văn Đà, Phó Trưởng Công an huyện Cai Lậy cho biết, trong thời gian tới, Công an huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; hoàn thành chỉ tiêu cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID; rà soát, làm sạch dữ liệu an sinh xã hội trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đơn vị cũng sẽ phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền, vận động người dân mở tài khoản thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, cập nhật thông tin đoàn - hội trên hệ thống, góp phần làm giàu dữ liệu dân cư.
Đồng thời, Công an huyện tiếp tục tuyên truyền lợi ích của thẻ Căn cước như có kích thước nhỏ, chất liệu tốt, tính bảo mật cao và tích hợp nhiều thông tin của trẻ trên thẻ Căn cước trong học tập, đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa không cần mang theo Giấy khai sinh)...
Ngoài ra, đối với nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện phải đảm bảo 100% thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức 2. Đối với nhóm công dân, người lao động... sẽ tiếp tục được hướng dẫn tải ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản.
Đối với nhóm học sinh, tiếp tục duy trì Tổ tuyên truyền phối hợp với các trường THCS (khối học sinh lớp 8, lớp 9), trường THPT đóng trên địa bàn để hướng dẫn học sinh cài đặt và đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID mức 1 và kích hoạt tài khoản mức 2.
Song song đó, UBND các xã, thị trấn nêu cao tinh thần, vai trò trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc và kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ thực hiện Đề án 06. Địa phương cần tổ chức rà soát, bố trí các địa điểm có đầy đủ phương tiện tuyên truyền, máy tính, mạng Internet để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Phấn đấu bảo đảm 100% xã, thị trấn được bố trí các địa điểm giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và các hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các địa điểm triển khai.
Các thành viên Tổ công tác Đề án 06 huy động lực lượng các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ…) để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện cấp Căn cước; đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt…
TUẤN LÂM