Thứ Sáu, 09/08/2024, 13:54 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

(ABO) Thực hiện Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18-7-2021 và Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30-3-2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18-7-2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo (được hợp nhất tại Văn bản hợp nhất 1315/VBHNBLĐTBXH ngày 13-4-2023 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH).

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đến thời điểm cuối năm 2024, để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, có sự tham gia của người dân trong quá trình rà soát; xác định được số hộ thoát nghèo, tái nghèo, nghèo mới phát sinh trên địa bàn từng ấp, khu phố.

- Kết thúc cuộc rà soát, từng địa phương phải xác định chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận.

- Đảm bảo thời gian kết thúc việc rà soát để lập danh sách mua bảo hiểm y tế kịp thời, đúng đối tượng, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

2. Phạm vi: Toàn tỉnh.

3. Thời gian rà soát: Thực hiện từ ngày 1-9-2024.

III. PHƯƠNG PHÁP RÀ SOÁT

Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện theo phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiến hành trên 2 loại phiếu:

- Phiếu A: Danh sách hộ gia đình đăng ký tham gia và nhận dạng nhanh.

- Phiếu B: Phiếu rà soát xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo.

IV. CHUẨN NGHÈO ĐA CHIỀU GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2025.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ như sau:

1. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo

a) Chuẩn hộ nghèo

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

b) Chuẩn hộ cận nghèo

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

2. Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều

a) Tiêu chí thu nhập

- Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.

- Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

b) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; tiếp cận thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

V. QUY TRÌNH RÀ SOÁT

Thực hiện theo Điều 4 Quyết định 24/2021/QĐ-TTg ngày 16-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt là Quyết định 24/2021/QĐ-TTg), cụ thể các bước như sau:

1. Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát

Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với ấp, khu phố (gọi tắt là ấp) và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, gồm:

a) Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát.

b) Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (Mẫu số 01 quy định tại Quyết định 24/2021/QĐ-TTg).

2. Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình

Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với Trưởng ấp và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

3. Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát

a) Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng ấp (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ ấp, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

b) Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát bằng hình thức bỏ phiếu kín (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định (thực hiện lại).

Bước 2: Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; sau đó tổ chức họp dân lại để thống nhất kết quả rà soát).

c) Kết quả cuộc họp được lập thành 2 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (1 bản lưu ở ấp, 1 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

4. Niêm yết, thông báo công khai

a) Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc trụ sở ấp và trụ sở UBND cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 3 ngày làm việc.

b) Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc trụ sở ấp và trụ sở UBND cấp xã trong thời gian 3 ngày làm việc.

c) Hết thời hạn niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (sau khi rà soát).

5. Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện

a) Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

b) Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.

6. Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện, quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn (Mẫu số 02 quy định tại Quyết định 24/2021/QĐ-TTg) và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (Mẫu số 03 quy định tại Quyết định 24/2021/QĐ-TTg).

VI. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Công tác tổ chức, chuẩn bị lực lượng

a) Cấp tỉnh

Kiện toàn Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 1986/QĐ-UBND ngày 30-8-2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

b) Cấp huyện

- Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban, lãnh đạo cơ quan LĐ-TB&XH làm Phó Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các đơn vị: Tài chính - Kế hoạch, Giáo dục và Đào tạo, Kinh tế và Hạ tầng, Văn hóa và Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mời lãnh đạo Chi cục Thống kê, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân cấp huyện tham gia Ban Chỉ đạo.

- Phòng LĐ-TB&XH căn cứ số lượng giám sát viên, rà soát viên cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn quy trình, phương pháp và Bộ công cụ rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho giám sát viên, rà soát viên.

c) Cấp xã

- Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng ban; công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã làm Phó Trưởng ban; các thành viên khác là công chức được giao nhiệm vụ làm công tác tài chính, y tế, văn hóa - xã hội, giao thông nông thôn, văn hóa thông tin, nông nghiệp, các trưởng ấp trên địa bàn và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội được phân công theo dõi tại xã.

- Tổ chức lực lượng rà soát viên thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn: Căn cứ vào số lượng ấp của địa phương để bố trí rà soát viên. Rà soát viên phải là người am hiểu địa bàn của ấp được phân công, có kinh nghiệm rà soát, am hiểu về đánh giá đặc điểm hộ gia đình, đủ sức khỏe làm việc.

- Phân công cán bộ LĐ-TB&XH phối hợp với cán bộ thống kê của xã kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quá trình rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã.

2. Công tác tuyên truyền

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền để người dân biết, tham gia thực hiện.

Nội dung tuyên truyền:

- Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

- Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm cả mức chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo và mức thiếu hụt đa chiều.

- Vận động người dân tham gia đăng ký rà soát nếu nhận thấy hộ gia đình mình đáp ứng các tiêu chuẩn.

- Nội dung chính của cuộc rà soát là xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo căn cứ vào thực tế nhân khẩu, việc làm, tài sản, tư liệu sản xuất, điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình, không điều tra trực tiếp thu nhập.

- Sau khi rà soát, cấp xã phải lập được danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến và có sự tham gia ý kiến của người dân trong ấp.

3. Công tác tập huấn nghiệp vụ

Phòng LĐ-TB&XH tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024.

* Nội dung tập huấn:

- Quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ.

- Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg ngày 16-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phương pháp, bộ công cụ rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo và mẫu biểu báo cáo theo Văn bản hợp nhất 1315/VBHN-BLĐTBXH ngày 13-4-2023 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

VII. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 như sau:

- Trước ngày 15-8-2024: Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo các cấp; xây dựng Kế hoạch rà soát; thành lập Tổ Giám sát cấp huyện; thành lập Tổ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã.

- Từ ngày 16-8-2024 đến ngày 31-8-2024: Cấp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ giám sát huyện, xã và lực lượng rà soát viên.

- Từ ngày 1-9-2024 đến ngày 15-10-2024: Cấp xã thực hiện rà soát, báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát chính thức về cấp huyện.

- Từ ngày 16-10-2024 đến ngày 30-10-2024: Ban Chỉ đạo cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản kết quả rà soát của cấp xã; tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát về Ban Chỉ đạo tỉnh (thông qua Sở LĐ-TB&XH).

- Từ ngày 1-11-2024 đến ngày 15-11-2024, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 về UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.

- Từ ngày 16-11-2024 đến ngày 30-11-2024: Ban Chỉ đạo tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thông qua kết quả rà soát, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.

VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan cấp tỉnh

a) Sở LĐ-TB&XH (Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh).

- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy trình và đúng thời hạn quy định.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH theo quy định.

b) Sở Tài chính

Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh về kinh phí thực hiện theo quy định.

c) Đề nghị Cục Thống kê tỉnh

Cung cấp cho Sở LĐ-TB&XH mã đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; số liệu hộ dân cư chính thức năm 2024 của từng xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố để làm cơ sở tính tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất số liệu giữa các cấp.

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều, giám sát việc thực hiện chính sách về giảm nghèo; huy động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

đ) Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh

Tham gia chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác rà soát tại các địa phương theo thời gian tiến độ thực hiện và lồng ghép công tác chuyên môn, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

e) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc

Tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tiếp cận đa chiều, quy trình tổ chức và thời gian triển khai thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này, để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, người dân biết và cùng tham gia, góp phần triển khai thực hiện công tác rà soát đảm bảo tính chính xác, tạo nên sự nhất trí cao trong nội bộ và Nhân dân.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp huyện và Tổ giám sát. Ban Chỉ đạo cấp huyện có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; bố trí kinh phí tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn quy trình và bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.

- Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.

- Có ý kiến về báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Chủ tịch UBND cấp xã; tổng hợp, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

3. UBND các xã, phường, thị trấn

- Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã. Ban Chỉ đạo cấp xã có nhiệm vụ:

+ Xây dựng phương án kế hoạch, kinh phí, tổ chức lực lượng tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn.

+ Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các phương tiện truyền thông; chủ động phát hiện hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm để hướng dẫn hộ gia đình đăng ký rà soát.

+ Tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định.

- Tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo trong năm.

- Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo và cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.

X. HỒ SƠ BÁO CÁO

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp huyện tổng hợp, báo cáo theo quy định như sau:

- Công văn báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn của Chủ tịch UBND cấp huyện.

- Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo sau khi rà soát theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 1315/VBHN-BLĐTBXH ngày 13-4-2023 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

- Các mẫu biểu báo cáo theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 1315/VBHN-BLĐTBXH ngày 13-4-2023 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

- Danh sách thu thập dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mẫu biểu ban hành kèm theo Công văn 1935/BLĐTBXH-VPQGGN ngày 10-5-2024 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Trên đây là Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở LĐ-TB&XH) để xem xét, hướng dẫn giải quyết.

P.V





 

.
.
.