Thứ Bảy, 17/08/2024, 09:54 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024

Ngày 14-8-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 5013 về việc triển khai thực hiện đặc xá năm 2024.

Theo đó, thực hiện Hướng dẫn 88 ngày 2-8-2024 của Hội đồng tư vấn đặc xá về việc triển khai thực hiện Quyết định 758 ngày 30-7-2024 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 và Công điện 76 ngày 7-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Ấp Bắc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác đặc xá trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức, hiểu rõ đặc xá là một chủ trương lớn, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội bị xử phạt tù, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn được xét đặc xá theo Hướng dẫn 88 ngày 2-8-2024 của Hội đồng tư vấn đặc xá và Nghị định 52/2019 ngày 14-6-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá.

Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc  cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, giấy chứng nhận, xác nhận và các tài liệu cần thiết khác có liên quan đến người được đề nghị đặc xá năm 2024.

Công an tỉnh: Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Lập hồ sơ xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang quản lý; thẩm định hồ sơ và tổng hợp danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá báo cáo Ban Chỉ đạo về đặc xá Bộ Công an và Hội đồng tư vấn đặc xá.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người được đặc xá, nắm chắc tình hình diễn biến số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan:  Tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương về đặc xá năm 2024; phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp tiếp tục quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật;

Giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác đặc xá năm 2024 theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, Hội sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn xã, phường, thị trấn chủ động liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã để thu thập thông tin, danh sách người được đặc xá năm 2024 có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để thực hiện việc cho vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng cùng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn quản lý nắm vững và thực hiện nghiêm chủ trương về công tác đặc xá năm 2024 theo Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá và Nghị định 49/2020 ngày 17-4-2020 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá năm 2024 tái hòa nhập cộng đồng.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể tạo điều kiện giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, vay vốn… khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm ưu tiên tiếp nhận người được đặc xá vào làm việc sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

PV

.
.
.