Thứ Hai, 12/08/2024, 10:50 (GMT+7)
.

Xã Nhị Bình thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm bù đắp phần nào những mất mát cho những gia đình chính sách; đồng thời, tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Xã Nhị Bình có 8 ấp với 4.937 hộ, 19.156 nhân khẩu, nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và có một số hộ làm nghề dịch vụ, mua bán, kinh doanh. Hiện xã có 76 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,53%; 125 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,53%.

Xã Nhị Bình tổ chức thăm hỏi, tặng quà 15 thương binh của xã nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2024.
Xã Nhị Bình tổ chức thăm hỏi, tặng quà 15 thương binh của xã nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2024.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhị Bình là một trong những xã có nhiều đóng góp cho thắng lợi chung của đất nước và của tỉnh Tiền Giang.  Xã chịu nhiều hy sinh mất mát, bị tàn phá nặng nề do bom đạn chiến tranh. Xã có 595 liệt sĩ hy sinh được ghi tên ở nhà bia; 104 Mẹ được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện 2 Mẹ còn sống).

Toàn xã có 293 gia đình chính sách đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Xã có 112 người hưởng tuất liệt sĩ, tuất thương binh, tuất bệnh binh trợ cấp hằng tháng; 1.058 người có công cách mạng. Với sự hy sinh mất mát và công sức đóng góp của quân và dân, xã Nhị Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” vào năm 1978; là 1 trong 5 xã của huyện Châu Thành được công nhận xã “An toàn khu” vào năm 2021.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, Đảng bộ, chính quyền xã Nhị Bình qua nhiều nhiệm kỳ cùng với nhân dân trong xã chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, với bộ mặt nông thôn của xã từng bước đổi thay, đời sống nhân dân được ổn định và phát triển. Trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm phát triển và củng cố, góp phần xây dựng Nhị Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2019.

Cùng với đó, thời gian qua, phát huy truyền thống xã “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, Nhị Bình luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Để công tác đền ơn đáp nghĩa thực sự mang lại hiệu quả, xã đã tích cực triển khai và thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã. Đảng ủy, UBND xã thường xuyên quan tâm và chỉ đạo làm tốt công tác thăm hỏi, tặng quà, bảo đảm đời sống cho các đối tượng và gia đình người có công với cách mạng.

Hiện nay, đời sống các gia đình chính sách của xã Nhị Bình được nâng lên ngang bằng với mức sống của người dân. Hằng năm, xã Nhị Bình luôn tích cực vận động các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở thu được nhiều kết quả. Bình quân mỗi năm, xã xây dựng 2 nhà tình nghĩa, sửa chữa 1 căn; lũy kế đến nay sau 49 năm giải phóng, thống nhất đất nước, xã đã xây được 98 nhà tình nghĩa, sửa chữa 49 căn.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay, những người có công hưởng trợ cấp 1 lần của xã Nhị Bình được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể có 31 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; 88 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần được Nhà nước tặng huy chương còn sống; thân nhân nhận tiền thờ cúng liệt sĩ 1 lần trong năm 2024 với 432 người và 102 Mẹ Việt Nam Anh hùng đã từ trần, con cháu thờ cúng được nhận quà.

Chăm lo, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là việc làm thường xuyên ở xã Nhị Bình. Đó là một trong những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên mỗi cán bộ, người dân của xã Nhị Bình đều nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những mất mát, hy sinh đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

THIÊN LÝ

.
.
.