Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
(ABO) Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần giúp huyện Cái Bè thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), UBND huyện Cái Bè đã cụ thể hóa và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể huyện và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện làm nòng cốt tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan tín dụng CSXH, tăng cường mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gắn với phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng thời, huyện luôn quan tâm và bổ sung kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình tín dụng CSXH gắn với triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn, xây dựng điểm giao dịch và triển khai việc cung cấp các dịch vụ như cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội… qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt… Tính riêng ở Hội Nông dân huyện, tổng dư nợ ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện hiện đạt trên 296 tỷ đồng, với gần 8.500 hộ hội viên vay, thông qua 188 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Cái Bè đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến cuối tháng 6-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 584 tỷ đồng (tăng gần 15% so cùng kỳ), với trên 16.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn vay thông qua các chương trình như: Vay vốn phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững; giải quyết việc làm, vốn vay cho học sinh, sinh viên; sửa chữa, xây dựng nhà; công trình nước sạch và nhà vệ sinh…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thật sự lan tỏa đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng chính sách liên tục tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, ở mức 0,24%, đã thể hiện công tác quản lý nguồn vốn vay luôn được huyện chú trọng, thực hiện có hiệu quả, giúp nhiều người dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều), từ 2,2% năm 2020 xuống 1,61% năm 2021; 1,32% năm 2022; 1,04% năm 2023 và phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dưới 1%, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.
Đây là kết quả quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn huyện so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Mặt khác, khi thực hiện chủ trương về việc gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay mới, vay bổ sung… đã tháo gỡ nhanh khó khăn cho người nghèo khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ quan tâm hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng CSXH nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về tầm quan trọng và ý nghĩa của tín dụng CSXH trong thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, huyện sẽ chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của bà con với các chương trình khuyến nông, giúp cho người vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo bền vững.
HOÀNG DIỄM - T.T