.

Giúp người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống

Cập nhật: 10:41, 29/09/2024 (GMT+7)

Để tạo điều kiện cho các phạm nhân được đặc xá, tha tù có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta. Từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 9 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 92.000 phạm nhân.

Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và sự chuẩn bị chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên tuyệt đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp. Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

b

Đại tá Nguyễn Văn Long trả lời phỏng vấn PV Báo CAND.

Để tạo điều kiện cho các phạm nhân được đặc xá, tha tù có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác tái hoà nhập động đồng, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá về kết quả nổi bật trong công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người được đặc xá và người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Văn Long: Trong thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về xây dựng chính sách pháp luật: công tác xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng đã được đẩy mạnh, đặc biệt là việc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 49, Chỉ thị số 33, và gần đây là Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 về chính sách tín dụng hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù. Các văn bản pháp luật này không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp hỗ trợ hiệu quả quá trình tái hòa nhập của người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, mà còn giúp họ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kết quả thứ 2 đó là, đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng. Trong đó, công tác tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng đã được triển khai hiệu quả trên nhiều kênh thông tin, từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống chính trị và người dân đã được nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá. Nhờ vậy, sự kỳ thị và thành kiến đã giảm đáng kể, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực từ các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để tham gia hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Kiểm soát tốt tỉ lệ tái phạm cũng là một trong những kết quả nổi bật của công tác tái hoà nhập cộng đồng. Theo đó, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng Công an, tỷ lệ tái phạm tội của người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được kiểm soát ở mức thấp, giúp bảo đảm ANTT xã hội. Việc giám sát và hỗ trợ họ trong quá trình tái hòa nhập đã góp phần quan trọng vào thành công này. Bên cạnh đó, chúng ta đã xây dựng được nhiều mô hình tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả. Các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như: thành lập quỹ hỗ trợ tái hoà nhập cộng động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đào tạo nghề, tư vấn tâm lý, và các chương trình hỗ trợ tài chính đã được triển khai rộng rãi. Những mô hình này đã giúp hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá có cơ hội ổn định cuộc sống, lập nghiệp và đóng góp tích cực cho xã hội.

b

Các phạm nhân ở Trại giam Ngọc Lý trong giờ lao động.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, tỉ lệ người được đặc xá tái phạm tội giảm như thế nào? Qua đó tiếp tục khẳng định ra sao về tính bền vững của các chủ trương, chính sách hỗ trợ người được đặc xá và chấp hành xong án phạt tù?

Đại tá Nguyễn Văn Long: Tỷ lệ tái phạm tội của người chấp hành xong án phạt tù những năm gần đây cơ bản được kiềm chế, không có biến động lớn, tỷ lệ tái phạm được khống chế ở mức dưới 3%. Đặc biệt, đối với người được đặc xá tỷ lệ tái phạm rất thấp (năm 2021 có 1 người đặc xá vi phạm trên tổng số 3.005 người, chiếm tỷ lệ 0,003%; năm 2022 có 2/2418 = 0,008%), điều đó cho thấy hiệu quả tích cực của các biện pháp phòng ngừa tái phạm.

Kết quả này không chỉ minh chứng cho sự thành công và tính bền vững của các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như Nghị định 49/2020/NĐ-CP, Chỉ thị 33 và Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ mà còn thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách đặc xá. Việc giảm tỷ lệ tái phạm không chỉ duy trì đảm bảo ANTT mà còn khẳng định tính đúng đắn, bền vững của các chính sách hỗ trợ, thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc giúp người vi phạm pháp luật hòa nhập xã hội một cách nhân văn và hiệu quả.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 22 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ý nghĩa nhân văn của Quyết định này?

Đại tá Nguyễn Văn Long: Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 20/9/2024, đã có 7.087 người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá được vay vốn với tổng số tiền giải ngân lên đến 584 tỷ đồng. Trong đó, nhiều tỉnh có số lượng người vay vốn cao  với tổng số tiền giải ngân trên 40 tỷ đồng.

Ý nghĩa nhân văn của Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nằm ở chỗ, nó không chỉ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về mặt kinh tế, mà còn thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Quyết định này thể hiện rõ tinh thần nhân đạo, tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người, dù họ đã từng phạm tội, nhằm giúp họ hòa nhập xã hội một cách bền vững và phát triển bản thân. Chính sách này góp phần giảm bớt sự kỳ thị, khuyến khích cộng đồng chung tay hỗ trợ, giúp người chấp hành xong án phạt tù xây dựng cuộc sống mới, qua đó góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tái hoà nhập cộng đồng. Đồng chí nhìn nhận như thế nào về vai trò phối hợp của các ban, ngành, chính quyền địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá vươn lên trong cuộc sống?

Đại tá Nguyễn Văn Long: Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, để đạt được hiệu quả bền vững trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, không chỉ cần sự tham gia của các cơ quan chức năng mà còn cần sự ủng hộ và chung tay của cả cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội là nền tảng quan trọng giúp người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Thời gian qua, công tác phối hợp của các ban, ngành, chính quyền địa phương đã được thực hiện tương đối hiệu quả.

Cụ thể, lực lượng CAND, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với chính quyền địa phương đã hợp tác trong việc giám sát, tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn. Điều này giúp người chấp hành xong án phạt tù có được sự hỗ trợ cần thiết để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chương trình đào tạo nghề, và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc hỗ trợ người tái hòa nhập. Qua đó, người chấp hành xong án phạt tù có thêm cơ hội việc làm và sự ủng hộ từ xã hội.

Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình hỗ trợ toàn diện, không chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế mà còn chú trọng đến yếu tố tâm lý và tinh thần. Điều này giúp người chấp hành xong án phạt tù không chỉ có phương tiện kinh tế để tự lập, mà còn nhận được sự động viên, quan tâm từ cộng đồng, từ đó hòa nhập xã hội một cách bền vững.

b

Công an huyện Lý Nhân, Hà Nam và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm hỏi, hỗ trợ người được đặc xá vay vốn để sản xuất.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2024, đối với những người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù, Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng sẽ tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực như thế nào để giúp họ tự tin tái hoà nhập cộng đồng làm lại cuộc đời?

Đại tá Nguyễn Văn Long: Trong năm 2024, để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho những người được đặc xá và người chấp hành xong án phạt tù, Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng sẽ tập trung triển khai các biện pháp thiết thực, giúp họ tự tin trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ gồm tổng kết, sơ kết và đánh giá chính sách pháp luật. Trong đó, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và Chính phủ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 và Quyết định số 22 của Thủ tướng về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua việc sơ kết, tổng kết này, Cục sẽ đánh giá hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ một cách nhân văn và hiệu quả nhất.

Về hướng dẫn và triển khai thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, cùng với Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Những biện pháp này sẽ giúp những người vừa chấp hành xong án phạt tù có được nguồn lực tài chính và hỗ trợ pháp lý để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo các đơn vị Công an địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và quản lý người đặc xá ngay từ khi họ trở về địa phương, đồng thời, hỗ trợ họ trong công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người đặc xá, nhằm giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kết nối thông tin, chú trọng đến việc tăng cường tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về sự cần thiết của việc hỗ trợ người đặc xá mà còn tạo ra cầu nối giữa người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và các cơ quan chức năng, giúp họ tiếp cận thông tin nhanh chóng, từ đó để họ thêm tự tin phấn đấu trở thành người công dân có ích. Nhìn chung, các biện pháp này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc hỗ trợ toàn diện cho người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, giúp họ vững tin bước vào cuộc sống mới và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.