Thứ Năm, 12/09/2024, 08:14 (GMT+7)
.

Huyện Cái Bè: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tổ chức thực hiện, góp phần để huyện Cái Bè thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cái Bè đã kịp thời triển khai, phổ biến chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Tiền Giang về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự…

Định kỳ hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND 24 xã, thị trấn khảo sát nhu cầu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp, đảm bảo hiệu quả sau đào tạo.

Cùng với đó, hằng năm, huyện Cái Bè cũng đã quan tâm phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Từ đó đã cung cấp nhiều tài liệu, nội dung, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi về những quy định, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến với người lao động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Cái Bè tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; đa dạng ngành nghề đào tạo phù hợp với thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất của địa phương; hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề; tăng cường, giám sát chương trình cho vay giải quyết việc làm…

Theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cái Bè Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là lực lượng lao động trẻ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Cùng với đó, địa phương cũng đang đẩy mạnh các hình thức đào tạo như truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức…, giúp người lao động ở nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

GIÚP NHAU THOÁT NGHÈO

Tổ hợp tác Đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng là một trong những mô hình giúp nhau thoát nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Cái Bè. Từ mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Tổ hợp tác Đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng tổ chức các lớp dạy miễn phí nghề đan lục bình cho nhiều lao động nữ ở huyện Cái Bè, góp phần tạo việc làm cho trên 800 lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Tổ hợp tác Ươm cây giống ấp Hậu Hoa, xã Hậu Thành hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân.
Tổ hợp tác Ươm cây giống ấp Hậu Hoa, xã Hậu Thành hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân.

Cùng với tổ hợp tác đan lục bình ở xã Tân Hưng, thời gian qua, nhiều địa phương khác cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật như nhân giống, thiết kế vườn ươm…

Điển hình như tại xã Hậu Thành, Tổ hợp tác Ươm cây giống ấp Hậu Hoa cũng đang hoạt động khá hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Mười (ấp Hậu Hoa, xã Hậu Thành) chia sẻ: “Được tham gia vào tổ hợp tác mà tôi có nghề ươm cây giống và có thêm việc làm vào những lúc nông nhàn, với thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày, đã giúp gia đình tôi có thêm chi phí lo cho cuộc sống gia đình”.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cái Bè, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý chí tự vươn lên của người dân nên việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo đầy đủ, đúng quy định.

Công tác dạy nghề và giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch, nhiều lao động học nghề xong đã tự tạo được việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, người nghèo có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực với đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức của người lao động nông thôn, tạo ra nguồn nhân lực ngày càng có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp chuyển dần sang lao động phi nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 - 2023, huyện Cái Bè đã giải quyết việc làm cho trên 74.550 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho trên 9.318 lao động,  lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện là 216 lao động, tăng 177% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Trên địa bàn huyện hiện có 635 công ty lớn, nhỏ, đã giải quyết việc làm cho 9.865 lao động. Số lao động được hỗ trợ dạy nghề đã chuyển việc làm từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên 1.600 lao động, chiếm 36%, tham gia lao động tại các công ty, cơ sở may mặc ở địa phương và tự tạo việc làm.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ưu tiên cho các điểm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, từ đó đạt kết quả cao trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Về đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện đã triển khai được 49 lớp với 1.178 học viên tham gia (lĩnh vực nông nghiệp 37 lớp với 770 học viên, lĩnh vực phi nông nghiệp 12 lớp với 408 học viên). Giai đoạn 2020 - 2023, huyện mở được 14 lớp nông nghiệp với 400 học viên tham gia.

Số lao động nông thôn sau khi học nghề có tỷ lệ tốt nghiệp trên 97% và 95% trong số đó có việc làm phù hợp, hầu hết các lao động ứng dụng kiến thức nghề đã học để nâng cao năng suất, có nhiều mô hình được ứng dụng vào thực tế, bước đầu góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển của địa phương, đồng thời có nguồn lợi thu nhập cao.

Hiện nay, tổng số lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 145 ngàn người, đạt trên 75%. Tổng số người lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 45%.

ĐỖ PHI - T.T

.
.
Liên kết hữu ích
.