.

Làm báo về bão lũ: Bật ăng ten lên và cháy hết mình

Cập nhật: 09:50, 16/09/2024 (GMT+7)

Việt Nam là đất nước lấy "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa" làm quy luật trường tồn và phát triển. Vì thế, làm báo về bão lũ là công việc chẳng ai mong muốn nhưng bắt buộc phải làm.

Trong thử thách luôn có cơ hội, tác nghiệp trong thiên tai, bão lũ là thời cơ để nhà báo thể hiện năng lực, tâm huyết của mình. Với cá nhân tôi, sau đợt tác nghiệp trong cơn bão số 7 năm 2005 với vị trí phóng viên thực tập, được Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) khen thưởng bằng quyết định "lấy cậu này về tòa soạn".

a
Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng thực hiện công tác tìm kiếm-cứu nạn và dọn dẹp sau sạt lở đất tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: Tuấn Sơn

Bật ăng ten lên

Năm 2007, tôi được Ban Biên tập Báo QĐND cử làm tổ trưởng, cùng với phóng viên Vũ Quang Thái (nay là Phó chánh văn phòng Báo QĐND), Nguyễn Đình Hùng (nay là Phó trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Báo QĐND), lên chiếc xe do anh Nguyễn Văn Tình cầm lái, chạy xuyên đêm từ Hà Nội vào Huế đón bão. Câu hỏi lớn đặt ra cho nhóm chúng tôi lúc này là làm thế nào để nắm được tình hình tổng thể của cơn bão khi mình đảm nhiệm tác nghiệp ở một hướng. Đã có kinh nghiệm từ các lần tác nghiệp trước đó, tôi mua một chiếc radio và bật nghe tin tức về cơn bão từ Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt dọc đường di chuyển vào Huế. Tổ 3 người chúng tôi phân công nhau vào đọc tin từ các báo điện tử uy tín, bắt liên lạc với các đồng nghiệp tác nghiệp tại Huế, thường xuyên gọi điện với chỉ huy phòng để xin chỉ thị (và cũng là một kênh nắm thêm thông tin từ tòa soạn).
 

a
Phóng viên Phan Thanh Hà, Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp trực tiếp hiện trường tại TP Hạ Long khi siêu bão số 3 (bão Yagi) bắt đầu đổ bộ. Ảnh: PH

Vào đến Huế, bão chưa vào nhưng trời bắt đầu mưa, chúng tôi cử Đình Hùng trực tin tại trung tâm phòng, chống lụt bão của tỉnh, khai thác tin tức tại chỗ và xin bằng được số điện thoại "nóng" trực lụt bão của các huyện để nắm tình hình khi cần. Đình Hùng khi đó tự nhận là "chưa có kinh nghiệm" nhưng chỉ trong nháy mắt đã xin được rất nhiều số điện thoại của các đồng nghiệp cùng tác nghiệp tại Huế, lại còn tìm được cộng tác viên là người địa phương sẵn sàng cung cấp thông tin và viết bài cho báo. Lái xe Văn Tình thì chở tôi và Quang Thái chạy dọc bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế để trinh sát con đường tác nghiệp khi bão vào, lấy thông tin về công tác chuẩn bị chống bão của các đơn vị Quân đội và địa phương. Ngay từ lúc ấy, chúng tôi cũng đã xác định được các vị trí trọng yếu mà tâm bão có thể gây ra thiệt hại...
 

a
Các lực lượng tìm kiếm tiếp tục chia thành nhiều mũi, tổ cùng với dân quân, người dân tích cực, tìm kiếm nạn nhân của bão số 3 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Ảnh: Việt Trung

Hiện nay, ngoài các kênh thông tin mà tôi đề cập ở trên, nhà báo còn có thêm một kênh tham khảo là thông tin từ các mạng xã hội. Tuy nhiên, các cơn bão thường gây ra tình trạng mất internet mà do đó báo điện tử, mạng xã hội bị đứt đoạn. Từ đó cho thấy, kênh thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam và từ trung tâm phòng, chống lụt bão và các cộng tác viên địa phương rất quan trọng. Khi làm phóng viên tác nghiệp ở một hướng dự kiến cơn bão sẽ vào, điều quan trọng là phải cung cấp được những thông tin mà người trực ở tòa soạn không thể có được. Muốn vậy, nhà báo phải bật tất cả ăng ten, đón nhận được tất cả những thông tin về cơn bão diễn ra trên địa bàn tác nghiệp của mình.

Vài câu chuyện tác nghiệp

 Trong cơn bão số 7 năm 2005, tòa soạn phân công hai phóng viên: Nguyễn Minh Trường (nguyên phóng viên Ban Ảnh, Báo QĐND), Trịnh Phú Sơn (nay là phóng viên Ban Ảnh, Báo QĐND) về Thanh Hóa đón bão. Tôi lúc đó đang thực tập cũng xin đi tác nghiệp và được Ban Biên tập cho đi cùng nhóm. Về Thanh Hóa, anh Minh Trường phân công tôi ở lại Trung tâm phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa để khai thác tin tức. Còn anh và nhà báo Phú Sơn đi "đón trước" bão ở huyện Hoằng Hóa, dự kiến đó là nơi tâm bão tràn qua.

a
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xã A Lù (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: qdnd.vn

Nhưng tâm bão năm đó không ở Hoằng Hóa mà quét vào vùng giáp ranh Ninh Bình-Thanh Hóa. Tôi trực ở trung tâm nên biết tin đê biển huyện Hậu Lộc bị vỡ, nước biển tràn vào xã Đa Lộc khiến xã cửa biển này trở thành ốc đảo, gần như bị cô lập và không có phương tiện nào có thể vào đó được (trừ trực thăng và xe lội nước của Quân đội). Phóng viên các báo trực ở đó đều tìm cách đi Hậu Lộc nhưng bão lốc rất lớn, ô tô cũng bị cấm ra đường. Một lúc sau, bỗng thấy các đồng nghiệp đổ xô về hướng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Thì ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh dự kiến sẽ đi kiểm tra tình hình ở xã Đa Lộc. Rất nhiều nhà báo muốn xin đi theo nhưng trên xe chỉ còn một ghế trống, "cho người này thì mất lòng người kia" nên ông đành từ chối. Hiểu ra vấn đề, tôi lẳng lặng xách máy tính ra cổng xin đồng chí lái xe cho đi nhờ. Đồng chí lái xe thấy tôi mặc quân phục, rất muốn giúp đỡ nhưng nói: "Chú cứ lên xe ngồi, đợi chủ tịch ra quyết định". Khi lên xe thấy tôi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh rất vui nói: "Ban nãy mình rất muốn mời một nhà báo đi cùng, nhưng nhiều báo xin quá, đành từ chối hết".

a
Thiếu tá Nguyễn Hồng Sáng, Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại vùng lũ xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, tháng 8-2024.

Vào được "rốn bão" Đa Lộc, tôi gọi điện ngay ra tòa soạn để báo cáo và cũng để Phòng Thư ký tòa soạn biết là có bài nhưng gửi về sẽ rất muộn. Tổng biên tập lúc đó là Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống rất vui, ông cung cấp số điện thoại để Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn trực tiếp tôi từ hiện trường. Phóng sự "Trắng đêm trong "rốn bão" Đa Lộc" mà tôi viết năm đó, nằm trong loạt phóng sự của Báo Quân đội nhân dân đoạt giải B phóng sự Giải báo chí toàn quốc năm 2005.

Thông tin từ hiện trường là thứ thông tin được kiểm chứng và thẩm định bởi chính nhà báo, trong điều kiện bão gió, đó là những thông tin quý giá và đáng tin cậy nhất đối với độc giả. Vì vậy, làm báo về bão lụt, cái quý nhất là phóng viên phải đến ngay được hiện trường, để chứng kiến và cung cấp tin tức chính xác. Để đến được hiện trường, đòi hỏi phóng viên phải có sự can trường nhất định. Quy định khi tác nghiệp là phải bảo đảm an toàn nhưng nếu vì an toàn mà cứ "núp" trong các tòa nhà vững chãi thì phóng viên không có được thông tin độc giả cần. Vì vậy, phẩm chất rất cần của phóng viên tác nghiệp nơi tâm bão là tâm huyết nghề nghiệp và lòng dũng cảm (dũng cảm chứ không phải liều lĩnh).
 

a
Cảnh sát biển Việt Nam hỗ trợ cung cấp lương thực cho ngư dân.

Cháy hết mình

 Năm 2007, tổ phóng viên tác nghiệp khi bão vào Thừa Thiên Huế nhận được tin đê biển Thuận An bị tràn. Lập tức, chúng tôi lên xe chạy về hướng đó. Đi đến cầu Thuận An thì đầu cầu có biển cảnh báo: "Chân cầu sạt lở, không nhiệm vụ miễn qua cầu". Đồng chí lái xe thấy vậy thì có vẻ ngần ngại. Tôi cùng Vũ Quang Thái, Nguyễn Đình Hùng xuống kiểm tra chân cầu, quay lên phải dùng mệnh lệnh quân sự để yêu cầu đồng chí lái xe đi qua cầu.

a
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận thiệt hại nặng nề của người dân nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển Vân Đồn, Quảng Ninh trong cơn bão số 3 vừa qua.

Sau này, mỗi lần ôn lại kỷ niệm tác nghiệp, cả Vũ Quang Thái và Nguyễn Đình Hùng đều thừa nhận "rất run" khi xe qua cầu. Thực ra thì tôi cũng run, nhưng xét thấy cầu còn vững chắc, trong cảnh báo cũng cho phép xe làm nhiệm vụ đi qua nên mới hạ quyết tâm. Tất nhiên, phần thưởng cho sự quyết tâm ấy là chúng tôi được chứng kiến toàn bộ câu chuyện của quân và dân Thuận An chống lại dòng nước biển hung dữ đang tấn công con đê từng giờ, từng phút trong mưa lũ.
Làm báo về bão lũ: Bật ăng ten lên và cháy hết mình

a
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 575, Quân khu 1 tìm kiếm nạn nhân gặp nạn tại khu vực xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tuấn Sơn

Hôm đó các đồng đội ở Đồn Biên phòng Thuận An giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong tác nghiệp, lại còn làm thịt gà thết đãi nhưng chúng tôi không dám ở lại ăn cơm, vì nước lũ dâng cao, dự báo ít phút nữa có thể gây ngập cầu Thuận An, nếu chúng tôi không qua cầu ngay thì không thể trở về thành phố gửi tin, bài được. Về thành phố Huế, viết tin bài cho báo điện tử và báo in xong thì đã quá khuya, chúng tôi chạy khắp thành phố mà không có quán ăn nào hoạt động. Tìm mãi ở khu vực ngoại thành mới thấy một gia đình còn mở cổng. Khi vào, nghe chúng tôi trình bày muốn nhờ bếp nấu mì tôm, vợ chồng chủ nhà đã rất thông cảm, tự tay làm cơm mời chúng tôi ăn bằng bếp dầu và chút nước ngọt ít ỏi còn lại của gia đình.
Làm báo về bão lũ: Bật ăng ten lên và cháy hết mình

a
Lãnh đạo Quân khu 1 động viên đồng bào bị mất nhà cửa do sạt lở đất tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Tác nghiệp trong bão lũ dĩ nhiên là vô cùng gian khổ nhưng nếu yêu nghề thì sẽ thấy những khó khăn đó là rất nhỏ bé so với bộ đội và nhân dân đang trực tiếp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt. Tôi từng có lần đi cả ngày, về viết bài đến 23 giờ, sắp xong thì máy tính bị virus, bài viết bỗng biến mất và chỉ huy phòng thì hối hả giục nộp bài. Lúc đó, tinh thần xuống thấp, bụng thì đói, cơ thể rã rời, vì thế vừa ngồi viết lại bài khác mà nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Viết xong thì đường truyền internet (cố định) hỏng, chạy sang một địa điểm gần đó để nhờ gửi bài thì vì quá khuya nên họ từ chối giúp. May quá, đồng chí trợ lý tuyên huấn của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đi cùng, bày cho tôi mẹo chạy đến một quán cà phê wifi gần đó, tuy quán đã đóng cửa nhưng không tắt máy phát wifi. Thế là chúng tôi cầm máy tính đi vòng quanh quán, may có chỗ hứng được sóng, nhờ đó mà gửi được bài về tòa soạn.

Theo qdnd.vn

 

.
.
.