.

Thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Cập nhật: 11:36, 18/09/2024 (GMT+7)

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp từ các chương trình cho vay thuộc nguồn vốn tín dụng chính sách.

Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Chợ Gạo đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai hiệu quả chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

TẠO SINH KẾ CHO NGƯỜI NGHÈO

Từ những “điểm tựa” về vốn, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo. Mô hình chăn nuôi của chị Trang Thị Thanh Thủy, ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy đã phát huy được nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện từ nhiều năm nay, chị Thủy đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi dê thịt.

Mô hình nuôi dê của chị Trang Thị Thanh Thủy, ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy.
Gia đình chị Đinh Thị Kim Thảo được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Gạo hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng để nuôi ba ba giống, cá bống tượng và cá chình.

Chị Thủy cho biết, gia đình nuôi dê thịt được 9 năm nay, để có thêm nguồn vốn mở rộng chăn nuôi, chị vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để mua thêm con giống và thức ăn để phát triển đàn dê của gia đình.

Hiện tổng đàn dê của chị Thủy có hàng trăm con dê lớn nhỏ, mỗi tháng chị xuất chuồng trung bình được 30 con dê thịt, sau khi trừ đi chi phí, gia đình chị thu lãi trung bình từ 9-24 triệu đồng. Chị Thủy cho biết, nuôi dê ít tốn công chăm sóc, diện tích chuồng trại không lớn, người nuôi cần quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng và chú ý các bệnh liên quan đường hô hấp và tiêu hóa. Chị mong thời gian tới tiếp tục được ngân hàng hỗ trợ vay vốn để chị mở rộng chuồng trại, gia tăng đàn dê, mua thêm thức ăn cho dê...

Hay như gia đình chị Đinh Thị Kim Thảo, ngụ cùng ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy, chị được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Gạo hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng từ vốn ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Thạnh Thủy. Từ số tiền này, chị đầu tư xây dựng hầm nuôi ba ba giống, cá bống tượng và cá chình. 

Chị Thảo cho biết, chị mua ba ba giống tại một công ty ở Hậu Giang với giá 4.000 đồng/con, sau thời gian nuôi từ 8 tháng đến 1 năm, chị được công ty thu lại với giá 15.000 đồng/con. Hiện chị có 3 hầm nuôi ba ba giống, diện tích mỗi hầm 50 m2, mỗi hầm chị thả nuôi 5.000 con ba ba giống, trong đợt bán đầu tiên, chị thu lãi gần 40 triệu đồng.

Bên cạnh nuôi ba ba giống, hiện chị đã đầu tư xây dựng thêm hầm nuôi cá bống tượng và cá chình. Chị cho biết, 2 loại cá này chị đang nuôi thử nghiệm, cá bống tượng thời gian nuôi khoảng 8 tháng, riêng cá chính nuôi khoảng 1 năm mới xuất bán.

"Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó đề nghị cấp trên bổ sung vốn các chương trình tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững”.

TRƯỞNG PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN CHƠ GẠO LÊ VĂN CHẤT

Chị mua giống của một công ty cá giống tại Cà Mau và khi đến đợt thu hoạch, công ty sẽ đến bao tiêu sản phẩm. Chị Thảo cho biết, nhờ nguồn vốn vay này mà vợ chồng chị có việc làm ổn định, chị hy vọng nguồn vốn này tiếp tục được duy trì và phát triển để tạo việc làm thêm cho người hộ gia đình như chị.

Chị Phạm Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạnh Thủy cho biết, để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn, Hội LHPN xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với cán bộ tín dụng theo dõi, tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ dự kiến triển khai thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình kinh tế đã trở thành thế mạnh của địa phương có vay vốn từ NHCSXH, cụ thể như các mô hình: Trồng thanh long ở xã Quơn Long, chăn nuôi bò ở xã Đăng Hưng Phước, chăn nuôi gà ở xã Bình Phục Nhứt…

TIẾP TỤC PHÁT HUY HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Gạo Lê Văn Chất cho biết: “Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay theo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả tích cực; đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Gia đình chị Đinh Thị Kim Thảo được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Gạo hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng để nuôi ba ba giống, cá bống tượng và cá chình.
Mô hình nuôi dê của chị Trang Thị Thanh Thủy, ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy.

Công tác cho vay vốn được Phòng giao dịch NHCSXH tỉnh thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.

Để nguồn vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp, thực hiện tốt hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giải ngân hằng tháng tại các điểm giao dịch xã, thị trấn. Hiện nay, toàn huyện có 294 Tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì hiệu quả hoạt động; tỷ lệ giải ngân tại các điểm giao dịch xã, thị trấn đạt 99%, tỷ lệ thu nợ đạt 97%, tỷ lệ thu lãi đạt 100%.

Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình xóa khó, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả được hình thành và phát triển, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tính từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện giải ngân 2,3 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 34 hộ vay với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Nuôi bò, dê, kinh doanh, buôn bán...

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Gạo tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng, từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã và đang triển khai thực hiện cho vay nhiều chương trình tín dụng, bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và một số chương trình cho vay khác.

Trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn lực tài chính xã hội nhằm tạo lập nguồn vốn quy mô lớn để mở rộng cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn để định hướng, tư vấn cho các hộ gia đình về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn. Tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả; đồng thời tích cực huy động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm để tăng nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

P. MAI - N.XUYÊN - T.H

.
.
.