Tiền Giang: "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới
Xác định rõ tầm quan trọng, vai trò và trách nhiệm của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM, thời gian qua hệ thống Ban Dân vận từ tỉnh đến khối dân vận xã, phường, thị trấn tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham mưu, phối hợp, tổ chức và quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM.
Dân vận khéo tập trung trọng tâm vào khéo tham mưu, tổ chức thực hiện; khéo tuyên truyền, vận động; khéo vận động phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng; khéo vận động xây dựng văn hóa - xã hội - môi trường lành mạnh và xây dựng hệ thống chính trị, địa phương vững mạnh.
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG
Có nhiều yếu tố giúp xây dựng thành công NTM đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó phải kể đến công tác dân vận được các cấp ủy Đảng trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác dân vận ngày càng phát huy hiệu quả nhờ các cấp ủy Đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 25, Kết luận 43 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Rõ nhất là các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Các mô hình dân vận khéo trong xây dựng NTM. |
Bằng các phương pháp dân vận khoa học và khéo léo, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã góp sức nâng cao nhận thức người dân cùng chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai nhiều phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình dân vận khéo, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng làm công tác dân vận.
Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo. Việc tổ chức phát động phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, phong phú về cách làm, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị.
Ðể công tác dân vận được tốt và đi vào chiều sâu, người làm công tác dân vận phải nắm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân; phải biết dân cần gì thì vận động mới hiệu quả. Cán bộ làm công tác dân vận phải thật sự sát dân, gần dân và phải có uy tín trong dân. Dân vận tốt thì các hoạt động, phong trào sẽ thuận lợi, đạt kết quả cao nhất.
Ngược lại, địa phương thực hiện không tốt công tác dân vận thì các chủ trương, đường lối đưa ra khi đi vào thực tiễn cuộc sống sẽ gặp khó khăn. “Dân vận khéo góp phần thay đổi nhận thức người dân cùng chung tay góp sức để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.
Những việc nào liên quan đến người dân mà khó thực hiện thì cần đến công tác dân vận để vận động, tuyên truyền người dân hiểu, đồng thuận. Người làm công tác dân vận phải là những người có uy tín, nói dân nghe, làm dân tin” - đồng chí Nguyễn Trọng Hữu, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định.
Chẳng hạn, trong phong trào hiến đất làm đường giao thông mang lại hiệu ứng tích cực, chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Những công trình, phần việc liên quan đến vận động nhân dân tự nguyện đóng góp được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân. Ban đầu có một số hộ dân chưa đồng thuận ngay, do diện tích bị ảnh hưởng là đất thổ cư hoặc quy mô rộng…
Để thuyết phục, các ban, ngành, đoàn thể và tổ tuyên truyền nhiều lần đến tận nhà vận động, giải thích cho người dân. Việc nắm rõ đặc điểm của từng gia đình, sự băn khoăn của người dân để tìm cách tháo gỡ là “bí quyết” để dân vận thành công.
XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH DÂN VẬN PHÙ HỢP
Cuối năm 2023, huyện Châu Thành ra mắt huyện NTM. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, huyện Châu Thành đã ra sức thi đua, xây dựng nhiều mô hình phù hợp, phát huy sức mạnh của toàn dân trong xây dựng NTM. Theo Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành, các ngành, đoàn thể, 133 ấp, khu phố trên địa bàn huyện đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả cần được duy trì và nhân rộng.
Điển hình như mô hình: “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện”, “Đội tình nguyện phục vụ cải cách thủ tục hành chính”; các mô hình: Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông; Khu dân cư giữ gìn an ninh trật tự; Khu dân cư giúp vốn, con giống, cây giống, ngày công lao động cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; Khu dân cư bảo vệ môi trường. Hội Nông dân có mô hình Chi hội Nông dân tự quản, tự phòng, tự công khai trên lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT); Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn.
Hay có các mô hình: Chi hội Cựu chiến binh tự quản về ANTT, Một hố rác một cây xanh. Hội Liên hiệp Phụ nữ có các mô hình: “5 không, 3 sạch”, Tổ vệ sinh an toàn thực phẩm, Thùng rác compost, Ngôi nhà 3 sạch, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc...
Để triển khai có hiệu quả, nhiều năm qua, lãnh đạo xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xây dựng các mô hình cụ thể, sát với tình hình thực tế tại địa phương để mang lại hiệu quả cao.
Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã tuyên truyền quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng chính quyền vững mạnh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát động phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”; đồng thời, tham gia, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào 5 không, 3 sạch”, hội viên giúp nhau làm kinh tế, giúp nhau thoát nghèo bền vững; tuyên truyền làm tốt công tác vệ sinh môi trường theo tiêu chí “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”.
Hội Nông dân có phong trào thi đua “Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi”... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM, người dân địa phương cũng đã đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh.
Dẫn chúng tôi đi và giới thiệu trục đường bê tông sạch đẹp, Bí thư Chi bộ ấp 3A (xã Đạo Thạnh) Phạm Văn Hiền phấn khởi chia sẻ: Đây là thành quả của công tác dân vận khéo, đã khơi dậy lòng dân, sức dân để xây dựng.
Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, ấp đã phát huy vai trò chủ thể của người dân nên đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong ấp để hiến đất, đóng góp sức người, sức của trong xây dựng NTM.
Bằng nhiều hình thức “khéo dân vận”, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân, lao động và nhân dân đồng thuận đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật quy tiền hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội, như: Thăm tặng quà, xây mới, sửa chữa nhà, tặng học bổng, mua bảo hiểm y tế...; hay xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: Sửa chữa, xây mới cầu giao thông; làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kinh mương nội đồng; thắp sáng đường giao thông nông thôn; trồng hoa ven đường...
Cụ thể như “Dân vận khéo chính quyền” giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng cho người dân, doanh nghiệp. Với các mô hình dân vận khéo như “Thắp sáng đường quê”, “Camera an ninh”, nhiều địa phương lắp đặt và ra mắt mô hình giúp công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu dân cư được bảo đảm.
Các mô hình dân vận khéo do Hội Nông dân chủ trì, như: “Hàng rào xanh, vườn hộ kiểu mẫu”, “Thu gom, xử lý vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm” thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Hội Liên hiệp Phụ nữ có các mô hình như “Nhà sạch - vườn đẹp”, “Trồng hoa, cây xanh làm sạch đẹp tuyến đường”. Ngoài ra, còn có các mô hình “Đường tranh bích họa”, “Tuyến đường cờ hoa”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học”...
Các mô hình đã “đánh thức” khát vọng làm giàu, xây dựng các danh hiệu NTM trên địa bàn. Qua đó, cảnh quan môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa được nâng lên; sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ giúp nhau được tăng cường trong đời sống hằng ngày.
Thực tế dân vận khéo ở nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho thấy khá rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Phong trào thi đua dân vận khéo đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận.
Hệ thống dân vận ngày càng được củng cố, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ngày càng trưởng thành. 100% xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận trên các lĩnh vực, quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt theo đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
PHƯƠNG MAI - T.T