Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, đề phòng lũ kết hợp triều cường
(ABO) Ngày 25-9, UBND tỉnh Tiền Giang có Công văn số 6058 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, đề phòng lũ kết hợp triều cường ảnh hưởng đến an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Ảnh: DUY TUẤN |
Theo nhận định của các cơ quan chuyên ngành Khí tượng Thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây mưa, lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông, kết hợp triều cường nên mực nước sông Cửu Long dâng cao.
Đặc biệt, các trạm thủy văn ở vùng giữa và ven biển có thể đạt mức cao hơn báo động III từ 0,25 - 0,5 m. Lũ kết hợp triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn của hệ thống đê bao, bờ bao ở các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động phòng, ngừa, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, đề phòng lũ kết hợp triều cường ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố theo chức năng và nhiệm vụ được phân công, tập trung một số nhiệm vụ.
Cụ thể, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban về phòng, chống thiên tai theo quy định; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn.
Tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, đảm bảo thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến tận người dân; chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả, đặc biệt trong mùa mưa bão, dông lốc, xả lũ, triều cường, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra các công trình thủy lợi, đê bao, công trình phòng chống thiên tai, tiêu thoát nước... khẩn trương sửa chữa các công trình hư hỏng (nếu có); xây dựng phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ngành Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành rà soát các điểm, khu vực, công trình có khả năng gây nguy hiểm, sạt lở...; thống nhất chế độ trực ban, biện pháp cảnh báo, ngăn chặn lưu thông... không để xảy ra tai nạn, thiệt hại tính mạng người dân.
Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nhận định, đánh giá tình hình lũ năm 2024, thực trạng đê bao, bờ bao, cống đập trên địa bàn tỉnh để chủ động phương án ứng phó thiên tai, đề phòng lũ, triều cường ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, tính mạng và tài sản của nhân dân.
UBND các huyện, thị, thành thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, tiêu thoát nước do địa phương quản lý; có phương án chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Các địa phương khẩn trương tổ chức sửa chữa, gia cố, nâng cấp đê bao, bờ bao, cống đập xuống cấp, trũng thấp có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở vùng có nguy cơ ngập lũ, triều cường; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Tổ chức thực hiện nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kinh, rạch tiêu thoát nước, hệ thống thoát nước đường; kiểm tra, chặt, cắt, tỉa cây xanh; có phương án chống gãy, ngã cây xanh, biển quảng cáo, pano... trên các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu vực công cộng, trường học, cơ quan, đơn vị.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
T. ĐẠT