.

Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện khoảng 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Cập nhật: 11:18, 27/09/2024 (GMT+7)

Dự báo, từ tháng 10-12, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm; trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía nam. Ngoài ra, thời kỳ này không khí lạnh khả năng hoạt động mạnh, hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 12.

a
Ảnh minh họa.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tại, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Thời kỳ từ tháng 10-12, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%.

Theo đó, dự báo nhiệt độ trung bình tháng 10 trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng 11-12, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ; riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc-Trung Trung Bộ có khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 10-12, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông được dự báo có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm: 4,5 cơn); trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm: 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11-12, trong đó, hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).

Ngoài ra, mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng tập trung chính vào tháng 10-11. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 12). Đặc biệt, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo, bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam và gió mùa đông bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Về tình hình lũ trong những tháng cuối năm 2024, ở khu vực Bắc Bộ trong tháng 10, trên các sông Bắc Bộ khả năng xuất hiện các đợt lũ với mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở mức báo động 1, các sông nhỏ ở mức báo động 1-báo động 2. Trong tháng 11, 12, mực nước các sông biến đổi chậm.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ, từ tháng 10-11, các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện 3-4 đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ hạ lưu sông Mã dao động ở mức báo động 1, hạ lưu sông Cả, La ở mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Trong tháng 12, mực nước trên các sông giảm dần.

Khu vực Trung Trung Bộ từ tháng 10-12, trên các sông khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ, trong đó lũ lớn trên các sông tập trung chủ yếu từ tháng 10-11. Mực nước đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3.

Ở khu vực Tây Nguyên từ tháng 10-11, trên các sông khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ; mực nước đỉnh lũ lên mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3.

Khu vực Nam Bộ, từ tháng 10-12, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ. Ngoài ra, mực nước sông Cửu Long lên dần, đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 và dao động ở trên mức báo động 1; mực nước đỉnh lũ tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 10-12.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.