.

Việt Nam kêu gọi đảm bảo nhân quyền cho mọi người

Cập nhật: 08:58, 14/09/2024 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) - đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung đối với Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.

b

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ảnh: Văn Tuấn/PV TTXVN tại Geneva

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài phát biểu, Đại sứ Mai Phan Dũng bày tỏ đánh giá cao vai trò tích cực và nỗ lực của Cao ủy Nhân quyền LHQ trong quá trình thúc đẩy hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ và khẳng định Việt Nam ủng hộ hoạt động của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh nhiều xung đột và khủng hoảng diễn ra trên khắp thế giới.

Đại sứ Mai Phan Dũng đề cao chính sách phát triển của Việt Nam lấy con người làm trung tâm, coi con người là chủ thể, mục tiêu và động lực của phát triển, hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Đại sứ Mai Phan Dũng thông tin rằng Việt Nam đang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, cụ thể là tình trạng sạt lở đất và lũ lụt khiến hơn 200 người thiệt mạng hoặc mất tích, hàng trăm người bị thương và nhiều thiệt hại nặng nề khác. Qua đó, Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực - vốn đang đe dọa đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Đại sứ Mai Phan Dũng tái khẳng định Việt Nam cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của LHQ, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về việc Cao uỷ Nhân quyền LHQ và một số nước có đề cập đến Việt Nam thông qua những thông tin một chiều, sai sự thật và không được kiểm chứng. Ông nêu rõ Việt Nam ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa, và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Trước đó, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk đã trình bày báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó thể hiện mối lo ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền hiện tại, nhấn mạnh thế giới đang đứng trước ngã tư quan trọng, và cảnh báo về nguy cơ “bình thường mới” được thể hiện bởi leo thang quân sự, bất bình đẳng ngày càng gia tăng và thông tin sai lệch tràn lan. Ông cũng kêu gọi tái cam kết với nhân quyền và các giá trị phổ quát để giải quyết những thách thức này, đồng thời đề cập tình hình nhân quyền ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, các lãnh đạo quốc gia tập trung vào nhân quyền và phản đối nguy cơ “bình thường mới” mang tính hỗn loạn để hướng tới tương lai công bằng, hòa bình và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Trong ngày 11/9, Đại sứ Mai Phan Dũng cũng tham gia phiên thảo luận chung về thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, văn hoá và xã hội trong bối cảnh giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Trong bài phát biểu, Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế kịp thời trong bối cảnh nhiều quốc gia đang vướng phải nhiều thách thức trong công cuộc thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, vốn vẫn tồn tại và trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn kinh tế; nhiều quốc gia gặp khó khăn trong nhiệm vụ đảm bảo cho những nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương có quyền tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo trợ xã hội. Về Việt Nam, Đại sứ Mai Phan Dũng nêu bật nhiều tiến bộ trong công tác giảm nghèo, mở rộng chăm sóc sức khỏe toàn dân và tăng cường tiếp cận giáo dục thông qua các chính sách phát triển toàn diện và hợp tác quốc tế; những thách thức, đặc biệt là đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ không bỏ lại ai phía sau, nhất là ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Tại Khóa họp 57 Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại Geneva từ ngày 9/9 đến 11/10/2024, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Theo đó, Việt Nam xây dựng phát biểu chung tại phiên thảo luận về chủ đề thúc đẩy quyền con người, quyền tiếp cận y tế thông qua tiêm chủng. Cùng với đó, Việt Nam còn tích cực tham gia tổ chức thảo luận chuyên đề, tham vấn các quyết định, nghị quyết. Cũng tại khoá họp này, Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ thông qua báo cáo của Nhóm làm việc về UPR chu kỳ IV của Việt Nam.

Theo Báo Tin Tức  (TTXVN)

.
.
.