.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang: Hành trình chuyển đổi số vì người dân

Cập nhật: 10:11, 09/10/2024 (GMT+7)

Không nằm ngoài làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trên cả nước, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang đang từng bước khẳng định vị thế tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, mang đến những trải nghiệm tiện ích, hiện đại cho người dân.

Mỗi bước tiến trong hành trình này đều là nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, viên chức, người lao động BHXH tỉnh, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả.

Lãnh đạo, viên chức BHXH tỉnh cùng các sở, ngành tham dự Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số do BHXH Việt Nam tổ chức.
Lãnh đạo, viên chức BHXH tỉnh cùng các sở, ngành tham dự Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số do BHXH Việt Nam tổ chức.

Hiểu rõ vai trò quan trọng của công nghệ trong thời đại mới, BHXH tỉnh Tiền Giang đã chủ động, tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sử dụng hiệu quả các ứng dụng của Ngành BHXH Việt Nam trong xác thực, kết nối dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được chú trọng hoàn thiện, hướng tới mục tiêu 100% người tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện tại, tỷ lệ xác thực đã đạt 99,16%, còn lại 13.346 người tham gia chưa được xác thực do sai thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh hoặc chưa có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ đó, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có thể sử dụng Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip để khám, chữa bệnh (KCB) thay thế thẻ BHYT giấy, đã có 219/219 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện tra cứu thành công trên 9 triệu lượt KCB bằng CCCD.

Ngoài ra, người tham gia còn có thể sử dụng ứng dụng VNeID mức độ 2, ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số để KCB (đến nay BHXH tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn cho trên 433 ngàn người đăng ký, sử dụng ứng dụng VssID).

BHXH tỉnh đã chú trọng triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu của BHXH Việt Nam, mở ra “cánh cửa” tiện ích cho người dân. Giờ đây, chỉ với vài thao tác đơn giản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân có thể dễ dàng gia hạn thẻ BHYT, đăng ký đóng BHXH tự nguyện tại nhà... mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan BHXH. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 370 người nộp hồ sơ gia hạn thẻ BHYT, khoảng 20 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên dịch vụ công.

Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đã mang lại “trái ngọt” các dịch vụ công “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” (đã tiếp nhận, giải quyết 29 hồ sơ), “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” được liên thông (đã tiếp nhận, giải quyết trên 16.000 hồ sơ), giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Việc chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt (chi qua ATM) cũng là một nhiệm vụ không thể thiếu của BHXH tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sử dụng phương thức chi qua ATM chiếm 92,66% (trong đó ATM lương hưu đạt 79,34%; ATM nhận trợ cấp BHXH một lần đạt 99,9%, ATM chi trợ cấp thất nghiệp đạt 100%).

Trên hành trình chuyển đổi số, BHXH tỉnh Tiền Giang vẫn còn phải đối mặt với những thách thức nhất định. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, BHXH tỉnh sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường chuyển đổi số, mang đến cho người dân những dịch vụ ngày càng chất lượng, tiện ích và hiện đại.

PHẠM VĂN HÒA

 

.
.
.