Thứ Tư, 30/10/2024, 09:07 (GMT+7)
.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thế giới số, với tiềm năng to lớn, không chỉ mở ra cánh cửa tri thức và giao lưu, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tư duy và tâm lý của trẻ. Ngành chức năng và phụ huynh cần triển khai các giải pháp hiệu quả để bảo vệ an toàn cho trẻ em trong không gian mạng.

THÁCH THỨC ĐÁNG LO NGẠI

Theo số liệu thống kê, đến tháng 3-2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet. Theo khảo sát của Google thực hiện năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi.

Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong đại dịch Covid-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình từ 6 - 7 tuổi…

 Quang cảnh lớp tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.                                                                                         Ảnh: THỦY HÀ
Quang cảnh lớp tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em vừa diễn ra tại Tiền Giang. Ảnh: THỦY HÀ

Trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là sự xuất hiện của những thông tin không phù hợp và nội dung độc hại trên môi trường mạng. Trẻ em với tâm hồn trong sáng và chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết để phân tích, nhận diện các thông tin này, đang dần bị “đầu độc” bởi những nội dung tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến những tác động lâu dài, ảnh hưởng đến tư duy và sự phát triển tâm lý của các em.

Những nguyên tắc cần nhớ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng:

Không tiết lộ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, trường học lên môi trường mạng xã hội.

Không kết bạn và nói chuyện với người lạ. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích.

Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.

Không xem hoặc chia sẻ nội dung không an toàn, không phù hợp với lứa tuổi.

Không bỏ qua các quy tắc bảo mật, thiết lập cài đặt riêng tư cho tài khoản trực tuyến.

Xâm hại trẻ em qua mạng không khác gì việc xâm hại trong đời thực. Những hình ảnh, video hay thông điệp tiêu cực có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, tạo ra sự tổn thương dai dẳng cho trẻ. Đáng báo động là tình trạng trẻ em bị cô lập trên không gian mạng, dẫn đến những sự việc đau lòng đáng tiếc trong thời gian gần đây. Điều này đã đặt ra yêu cầu cực kỳ cấp thiết về việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, một lĩnh vực cần được chú trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ trẻ em hiện nay.

Nếu không có sự quản lý và hướng dẫn từ cha mẹ, trẻ em có thể dễ dàng tiếp xúc với những nội dung đồi trụy, bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi; thậm chí là những video hướng dẫn cách tự làm tổn thương bản thân như: Cắt da, tự tử...

Trong giai đoạn dậy thì nhạy cảm, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương về tâm lý và dễ bị tác động từ bên ngoài. Các em thường muốn chứng tỏ bản thân và khẳng định mình với bố mẹ, thầy cô và bạn bè, điều này khiến cho việc tiếp cận với những thông tin xấu trở nên dễ dàng hơn và sẽ rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành động sai trái.

Trong khi bạo lực thể xác đã được xã hội nhìn nhận và có những biện pháp xử lý, thì bạo lực mạng lại đang ngày càng gia tăng và có những ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý trẻ em. Những hành vi như: Phát tán tin đồn, đe dọa, đánh giá, chê bai hay sỉ nhục, kêu gọi tẩy chay… có thể thúc đẩy cảm giác tiêu cực, dẫn đến sự sợ hãi, thất vọng và thậm chí có thể làm tăng ý định tự tử ở trẻ.

Thực tế cho thấy, khi không được trang bị kỹ năng phòng bị, trẻ em có thể là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại tình dục… Các đối tượng thông qua Internet, mạng xã hội tiếp cận trẻ; bằng những lời lẽ gạ gẫm, phỉnh nịnh, dụ dỗ bằng tiền, quà tặng để các em cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc cài các phần mềm độc hại từ đó thực hiện các hành vi tấn công như: Quay lén, ép buộc, xâm hại tình dục trẻ.

Trước những nguy cơ đó, cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường và gia đình để xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ; bảo vệ trẻ khỏi các hành vi lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại, bắt nạt và thông tin xấu, độc.

TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CỘNG ĐỒNG

Thời gian qua, công tác bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet đã được, Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin…

Sau khi kết thúc lớp tập huấn, các học viên sẽ là những trẻ nòng cốt tích cực truyền lại các kỹ năng, kiến thức đã được tập huấn cho các nhóm trẻ em khác tại địa phương.                                                                                                                                                     Ảnh: THỦY HÀ
Sau khi kết thúc lớp tập huấn tại Tiền Giang, các học viên sẽ là những trẻ nòng cốt tích cực truyền lại các kỹ năng, kiến thức đã được tập huấn cho các nhóm trẻ em khác tại địa phương. Ảnh: THỦY HÀ

Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN; trong đó, có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).

Gần đây, sự phối hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tán phát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube… tạo môi trường lành mạnh cho trẻ; đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em; đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em.

Vừa qua, tại Tiền Giang, Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang tổ chức Lớp tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Có 42 trẻ em từ 12 - 15 tuổi đến từ 7 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương tham gia lớp tập huấn, trong đó có 12 em là học sinh trung học cơ sở của tỉnh Tiền Giang.

Tham gia tập huấn, các em được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số vấn đề liên quan đến trẻ em. Trong đó, có kiến thức về quyền trẻ em, quyền tham gia của trẻ em; kỹ năng của trẻ khi tham gia vào các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng…

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, thực trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng hiện nay rất đáng báo động. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, đến nay, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy hiểm từ môi trường mạng.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa toàn diện và chặt chẽ. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay, vì bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, hữu ích, việc tham gia vào môi trường mạng khiến trẻ có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại.

Điều đáng nói là nhiều phụ huynh chưa được trang bị kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, dẫn đến lơ là trong khâu quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội của con em mình.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng phụ huynh, mà là của toàn xã hội. Với sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình, nhà trường và cộng đồng, trẻ em sẽ phát triển khỏe mạnh và an toàn trong môi trường số.

Việc giám sát, giáo dục trẻ em về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh là bước quan trọng để tạo ra một không gian mạng lành mạnh và bảo vệ cho thế hệ tương lai.

H.NAM - L.MINH - T.T

.
.
.