Thứ Sáu, 11/10/2024, 11:35 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ TRẺ EM GÁI 11-10:

Tầm nhìn cho tương lai trẻ em gái

Đây là chủ đề do Liên hợp quốc chọn cho Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 năm nay. Chủ đề nhằm phản ánh những phát hiện từ phân tích của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong đó cho thấy các bé gái không chỉ dũng cảm khi đối mặt với thử thách mà còn tràn đầy hi vọng vào tương lai.

TRAO CƠ HỘI NHIỀU HƠN CHO TRẺ EM GÁI

Ngày Quốc tế Trẻ em gái được vận động lần đầu tiên bởi tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác. Đến năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thống nhất ngày này trên toàn cầu. Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực: Giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11-10 tập trung chủ yếu vào các bé gái dưới độ tuổi vị thành niên (từ 10-19 tuổi). Theo đó, việc đấu tranh hay tìm ra giải pháp về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực với phụ nữ; đồng thời khuyến khích và bảo vệ một cách trọn vẹn thiên chức nhân quyền được tổ chức Liên Hợp quốc khẳng định là cần đầu tư ngay vào chính các bé gái.

Bé gái cũng như bé trai xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. 										                                                         Ảnh:  LẬP ĐỨC
Bé gái cũng như bé trai xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Ảnh: LẬP ĐỨC

Tại sao là quyền của con gái? Giải thích vấn đề này, theo công bố của Liên Hợp quốc, hiện còn thực trạng hàng triệu cô gái trên khắp thế giới không thể quyết định bản thân có thể làm gì, có thể đi đâu hay có thể trở thành ai…

Quá nhiều người đang bị bỏ lại phía sau, phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt khiến các em gái bị tước đoạt quyền lợi, hạn chế các lựa chọn và hạn chế tương lai của các em. Ngày nay, cứ 5 phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 - 24 thì có một người đã kết hôn khi còn nhỏ. Gần 1/4 trẻ em gái vị thành niên có bạn tình hoặc đã kết hôn, đã từng bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất. Trên toàn cầu, 75% số ca nhiễm HIV mới ở thanh thiếu niên xảy ra ở trẻ em gái.

Chủ đề của năm 2024 là “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái” nhằm đưa ra tầm nhìn và tương lai tươi sáng cho trẻ em gái. Khẩu hiệu “Thời đại của chúng ta là bây giờ - quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta” nhằm thay đổi nhận thức và thúc đẩy sự quan tâm với trẻ em gái trong cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm và quan tâm hơn đến tương lai của những trẻ em gái.

Cứ 3 cô gái vị thành niên thì có một người bị thiếu máu, tức một dạng suy dinh dưỡng. Số trẻ em gái vị thành niên không tham gia bất kỳ hình thức giáo dục, việc làm hoặc đào tạo nào nhiều gấp đôi so với trẻ em trai.

Tuy nhiên, có thể thay đổi điều này, có những giải pháp đã được chứng minh nhằm đẩy nhanh tiến độ, hướng tới một tương lai mà trong đó mọi trẻ em gái đều có thể nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kỹ năng có chất lượng cần thiết để thành công.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Bằng việc công nhận ngày 11-10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn. Ngày Quốc tế Trẻ em gái hằng năm đã đưa các thông điệp, chủ đề khác nhau về trẻ em gái như: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, “Chúng ta cùng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái, cùng đấu tranh chống lại những khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em hằng ngày phải đối mặt để các em có một cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh và tự chủ”.

KÉO GIẢM MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), bình thường, tỷ số giới tính khi sinh khoảng 105 bé trai/100 bé gái, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là có hơn 107 bé trai/100 bé gái.

Nguyên nhân chính của tình trạng MCBGTKS được cho là do mức giảm sinh nhanh, tâm lý thích có con trai của các cặp vợ chồng, công nghệ xác định giới tính thai nhi sẵn có và dễ dàng tiếp cận dịch vụ phá thai. Một nguyên nhân nữa là do mức sinh thấp kéo dài, gia đình ít con, cộng với nhiều ngành nghề ở địa phương đòi hỏi lao động là nam giới…

Các em gái có quyền được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, an toàn và giáo dục tốt.                                                                                              Ảnh:  LẬP ĐỨC
Các em gái có quyền được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, an toàn và giáo dục tốt. Ảnh: LẬP ĐỨC

Tình trạng MCBGTKS để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng, đó là tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Việc thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình truyền thống; số lượng và tỷ lệ nam giới không có khả năng kết hôn tăng; gia tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; bạo hành giới. Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta không được khống chế, vào năm 2050 sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam thanh niên so với nữ thanh niên.

Nhiều năm qua, cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đã rất nỗ lực nhằm kéo giảm tình trạng MCBGTKS, tuy nhiên kết quả có giảm nhưng chưa bền vững và chưa đạt tỷ số như mong muốn. Tỷ số giới tính khi sinh của cả nước năm 2018 là 115 bé trai/100 bé gái; tỷ số này giảm còn 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2023. Tại Tiền Giang, con số này vào năm 2018 là 110 bé trai/100 bé gái và số liệu 9 tháng năm 2024 là 109 bé trai/100 bé gái. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục các giải pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức bình thường.

Giải pháp cho vấn đề này không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Các bé gái cũng như các bé trai đều xứng đáng được hưởng tình yêu, cơ hội và các quyền con người.

Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa - xã hội.

Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm nhân quyền cần phải chấm dứt. Bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Tất cả chúng ta đều biết rằng, bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa và đặt ưu tiên đối với việc xây dựng các chương trình hướng tới việc không khoan dung đối với sự phân biệt đối xử về giới, thái độ tiêu cực và những hành vi thiếu đạo đức, ví dụ như việc lựa chọn giới tính trước khi sinh, phải loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với bé gái và các nguyên nhân gốc rễ của việc ưa thích con trai, dẫn tới những hành vi tiêu cực và thiếu đạo đức khi loại bỏ bé gái sơ sinh và lựa chọn giới tính trước khi sinh.

THU THỦY - NGUYỄN MƠ - T.H

.
.
.