Huyện Gò Công Đông: Thực hiện tốt phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau"
Nhờ có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình) để thực hiện các dự án, tiểu dự án, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và nhiều nhóm đối tượng khác theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRỌNG TÂM
Thực hiện Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, UBND huyện Gò Công Đông xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt, được cả hệ thống chính trị quan tâm, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Ngay từ đầu giai đoạn của Chương trình, các cơ quan tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực chung tay giúp đỡ, chăm lo cho người nghèo tại địa phương.
Trọng tâm là phối hợp với UBND, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt tại các chi, tổ hội, tổ nhân dân tự quản… về mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo bền vững, tuyên truyền phát động đến đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ hỗ trợ vốn để người nghèo làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình tạo chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, giúp huyện Gò Công Đông đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ảnh: QUỐC TOÀN |
Huyện Gò Công Đông đã được phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình qua các năm với sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Cụ thể, năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 1,913 tỷ đồng. Nguồn vốn này được sử dụng cho các dự án, tiểu dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2023, tổng nguồn vốn được phân bổ là 4,381 tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng để thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và các chương trình đào tạo nghề.
Năm 2024, tổng nguồn vốn dự kiến là 6,21 tỷ đồng, trong đó có 4,49 tỷ đồng từ nguồn ngân sách năm 2024 và 1,72 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2023 sang. Những nguồn vốn này đã được sử dụng để thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn huyện.
Kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2024, huyện Gò Công Đông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể: Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 1,35% (520 hộ) năm 2021 xuống còn dự kiến 0,71% (275 hộ nghèo) vào cuối năm 2024, vượt mục tiêu đề ra. Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gò Công Đông đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương như: Hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí và hỗ trợ đột xuất; đồng thời, huyện đã huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án và mô hình giảm nghèo. Nhờ đó, thu nhập bình quân của các hộ nghèo dự kiến sẽ tăng 1,2 lần vào cuối năm 2024 so với năm 2023. |
Theo UBND huyện Gò Công Đông, để thực hiện các dự án và tiểu dự án trong Chương trình giai đoạn 2021 - 2024, huyện đã triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng hộ nghèo, hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Các kết quả nổi bật bao gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ các dự án nuôi dê sinh sản cho cộng đồng tại 11 xã với tổng nguồn vốn 2,67 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm giúp người dân phát triển sinh kế và thoát nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã triển khai 5 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, với tổng kinh phí 800 triệu đồng trong năm 2023. Những dự án này đã giúp người dân cải thiện sản xuất và tăng thu nhập.
Huyện triển khai các chương trình can thiệp dinh dưỡng, bao gồm việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ. Năm 2023, chương trình này đã hỗ trợ cho 44 trẻ em và các bà mẹ, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng. Về phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, tập trung vào những đối tượng nghèo và cận nghèo.
Tính đến năm 2023, đã có 7 lớp đào tạo với 124 học viên tham gia, trong đó có 20 hộ nghèo và 112 hộ cận nghèo. Về truyền thông giảm nghèo, huyện cũng chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi biểu diễn lưu động và viết tin, bài liên quan đến công tác giảm nghèo, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Những hoạt động này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân thoát nghèo và đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.
TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN VỐN VAY
Nhờ có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí từ Chương trình, các hộ nghèo được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hợp lý, giúp người dân có động lực vươn lên thoát nghèo, thay đổi cách thức làm kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Điển hình như anh Hồ Văn Trung (ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung), trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đã hỗ trợ xây dựng cho anh căn nhà đại đoàn kết; đồng thời, hỗ trợ vốn để anh Trung phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi dê, anh Trung đã đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Từ đàn dê 3 con, đến nay, gia đình anh đang sở hữu hàng chục con dê chất lượng. Nguồn thu từ việc chăn nuôi dê đã giúp gia đình anh Trung từng bước phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, các con anh được đi học và có việc làm ổn định. Năm 2019, gia đình anh thoát được cảnh nghèo, trở thành một trong những hộ vượt nghèo bền vững.
Huyện Gò Công Đông đã đạt được một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bao gồm: Hỗ trợ giáo dục và đào tạo, huyện đã hỗ trợ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua việc miễn giảm học phí, cấp học bổng và cho vay vốn học tập.
Cụ thể, trong năm 2023, có 2.481 hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí lên đến 34,61 tỷ đồng. Về hỗ trợ y tế, huyện hỗ trợ mua Thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo là một trong những chính sách quan trọng giúp họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Năm 2023, có 835 hộ nghèo và 2.790 hộ cận nghèo được cấp Thẻ bảo hiểm y tế. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân hàng chục tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để họ phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, có 2.010 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền 26,45 tỷ đồng.
Cùng với đó, huyện còn hỗ trợ nhà ở, huyện đã xây mới và sửa chữa hàng loạt nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm 2023, đã bàn giao 77 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, giúp các hộ dân có nơi ở khang trang, ổn định. Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, gia đình chính sách cũng được thực hiện đều đặn.
Năm 2023, có 428 hộ nghèo và gia đình chính sách được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí gần 95 triệu đồng. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nhìn chung, Chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế và xã hội, giúp huyện Gò Công Đông đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho cộng đồng.
LÝ OANH