Thứ Ba, 08/10/2024, 07:39 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Tây: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang quan tâm và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp giải quyết việc làm...

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ, ngày 25-01-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết 04 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện có các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho NLĐ giai đoạn 2020 - 2025.

Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình lao động trên địa bàn để có giải pháp sát với điều kiện thực tế của địa phương đảm bảo đạt được các mục tiêu chung của huyện.

Trong đó, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tuyên truyền, triển khai cho cán bộ, công chức ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn Vĩnh Bình bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện, đài truyền thanh của các xã; lồng ghép vào các cuộc họp của ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn để triển khai đồng bộ. Cùng với đó là thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng lao động về học nghề và tìm việc làm phù hợp cho lao động ở địa phương, tạo thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.

 Huyện Gò Công Tây liên kết các trường trung cấp nghề khu vực Gò Công mở các lớp đào tạo nghề tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Huyện Gò Công Tây liên kết các trường trung cấp nghề khu vực Gò Công mở các lớp đào tạo nghề tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm, với hơn 3.000 lao động, thanh niên trong độ tuổi lao động, bộ đội xuất ngũ tham dự; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, giới thiệu và tạo việc làm cho NLĐ sau học nghề. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Công Tây Lê Văn Nhiệm cho biết, từ năm 2020 - 2024, việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo qua các chương trình khác đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, về công tác đào tạo nghề cho người lao động, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 4.536 NLĐ được đào tạo nghề bao gồm: Học nghề từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các chương trình khác 1.446 người; học nghề theo Quyết định 46/2015 ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn” và được hỗ trợ chính sách là 3.090 người,  trong đó: 1.657 người học nghề theo Quyết định 46/2015 và 1.433 người được đào tạo nghề tại các công ty, doanh nghiệp.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác đưa NLĐ trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ năm 2020 đến nay, số lao động đã xuất cảnh 170/145  hồ sơ,  đạt 117,24% so với kế hoạch.

Đối với chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, từ năm 2020 - 2024, nguồn cho vay giải quyết việc làm tại chỗ và việc làm mới qua các chương trình, đề án cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể đã giải quyết cho lao động có việc làm ổn định là 15.842 lao động với số tiền 664,786 tỷ đồng; cho vay theo đề án xuất khẩu lao động được 50 lao động, số tiền 3,33 tỷ đồng; về giới thiệu và tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm ổn định có thu nhập của NLĐ, từ năm 2020 đến nay, trên 8.000 lao động tham gia làm việc ở các khu công nghiệp, chế xuất trong và ngoài tỉnh.

Việc lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động đã góp phần tăng thu nhập trong nhân dân. Cùng với đó, công tác giới thiệu việc làm qua các chương trình tư vấn để NLĐ hiểu và tham gia tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp với khả năng, nhu cầu có thu nhập cao, ổn định đã góp phần đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

ĐÀO TẠO, KẾT NỐI VIỆC LÀM

Theo UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn một số khó khăn như: Kinh phí đào tạo hằng năm được phân bổ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa đáp ứng theo chương trình, kế hoạch hằng năm của huyện đã xây dựng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn gặp khó khăn, do bị thu hẹp đối tượng được đào tạo. Hiện nay, NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đã giảm và đã tham gia học nhiều lớp đào tạo nghề khác nhau.

Để đủ số lượng học viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo cho một lớp học phải tổ chức liên kết các xã với nhau, do đó NLĐ ngại đi xa nên không tham gia học. Mặt khác, số người tham gia học nghề đa số người lớn tuổi không còn ở tuổi lao động, còn những lao động trẻ thì làm trong các công ty, doanh nghiệp không thể tham gia học nghề nên việc đào tạo nghề cho các đối tượng này trong năm 2024 và những năm tiếp theo ngày càng gặp khó khăn...

Theo UBND huyện, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách học nghề, nhất là công tác hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn qua các hình thức như: Đài phát thanh của huyện và xã; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện và UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép, tuyên truyền trong các cuộc họp của các đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm tăng thu nhập cho NLĐ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn.

Đồng thời, rà soát, lập danh sách đối tượng đăng ký tham gia học các ngành, nghề cả 2 lĩnh vực nông nhiệp, phi nông nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của NLĐ; kết hợp với chương trình, mục tiêu công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cùng với đó là phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chủ động liên hệ các công ty, doanh nghiệp đóng trong và ngoài địa bàn huyện để có kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ.

Huyện tiếp tục tổ chức liên kết các trường trung cấp nghề khu vực Gò Công đào tạo chương trình trung cấp để học viên có đủ điều kiện tham gia học và tìm kiếm việc làm; thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát cung, cầu lao động để nắm bắt kịp thời thông tin NLĐ và nguồn lao động trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, giải quyết việc làm cho NLĐ.

Song song đó, huyện tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tổ chức thực hiện tư vấn kết nối việc làm cho NLĐ, đẩy mạnh hơn công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

HOÀI THU

 

.
.
.